Câu Chuyện Ncov Và Kinh Tế Trung Quốc

Câu Chuyện Ncov Và Kinh Tế Trung Quốc


CÂU CHUYỆN NCOV VÀ KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG LÊN TOÀN THẾ GIỚI

CÂU CHUYỆN NCOV VÀ KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG LÊN TOÀN THẾ GIỚI

CHÍNH SÁCH BÁN CÁCH LY CỦA TRUNG QUỐC GÂY HẠI CHO KINH TẾ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Dự Viên – một khu tổ hợp kiến trúc cổ điển từ thế kỉ XVI đã được trang hoàng lộng lẫy, sẵn sàng cho kì nghỉ lễ Tân Niên năm nay. Đèn lồng đỏ treo dọc những cung đường tản bộ, bánh bao bày la liệt khắp những quầy đồ ăn, đội an ninh cũng đã sẵn sàng giữ trật tự những đám đông chen chúc. Duy chỉ có một thứ còn thiếu: du khách.
Với nỗi sợ virút corona trực chờ, người ta chọn cách ở nhà trong dịp lễ hội. Lý Tần Minh, một chủ cửa tiệm khăn lụa ngậm ngùi: “Hôm nay dù bán được một xíu thôi cũng đủ rồi”. So với đỉnh điểm 700 nghìn du khách năm ngoái tại Dự Viên, ông Lý đang có nguy cơ lỗ trắng trong mấy tháng tới. Câu hỏi cho Trung Quốc và những đơn vị xoay quanh Trung Quốc: chuyện của ông Lý phải chăng là dấu hiệu của một vấn đề còn sâu rộng hơn?
Mối liên hệ gần nhất mà ta có hiện nay chính là đại dịch SARS tại Trung Quốc năm 2003, sự tăng trưởng khi ấy bị chậm đi đáng kể lúc dịch lên tới đỉnh điểm nhưng nhanh chóng phục hồi khi dịch kết thúc. Các đại dịch được xử lý đã củng cố thêm niềm tin rằng vấn đề kinh tế không quá đáng lo trong cơn dịch bệnh. Từ cúm gia cầm 2006 đến cúm lợn 2009, chẳng cái nào có thể che lấp những tầm nhìn toàn cầu.
Ấy vậy mà trong lúc các nhà đầu tư nhiệt huyết còn đang mờ mịt về tình hình, giá trị chứng khoán tại Hongkong đã sụt giảm 10% ngay lúc có tin dịch tiến triển. Xem chừng “sức khoẻ” thị trường toàn cầu cũng đang trên đà bị đe doạ chẳng kém.
Mối quan tâm hiện nay không đến từ mức độ chết người có vẻ kém hơn dịch SARS của virus, mà là chính phủ Trung Quốc sẽ chống dịch trong bao lâu và như thế nào, bởi sự gián đoạn giữa lòng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây ra những hậu quả cho cả toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) đã ước tính rằng 90% tổn hại kinh tế vì dịch bệnh đến từ nỗi sợ tiếp xúc của con người; văn phòng, cửa hiệu theo đó mà đóng cửa hết. Tại Trung Quốc, chính sách cách ly vùng dịch đang được triển khai, và trong lúc các chuyên gia y tế thảo luận liệu cách này hiệu quả đến đâu, người hứng đòn chịu trận trước nhất sẽ là những kinh tế gia.
Những ảnh hưởng trực tiếp nay được cảm nhận rõ ở tỉnh Hồ Bắc. Trước là thành phố Vũ Hán, sau là cả tỉnh với gần 60 triệu dân bị khoá chặt. Ngoại trừ những xe hàng tiếp tế thì nơi đây có thể coi là nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đóng góp 4.5% GDP Trung Quốc, Hồ Bắc hiện đang tạo ra thiệt hại đáng kể bởi hoạt động kinh tế dù là chăm sóc y tế hay xem phim trực tuyến cũng đều giảm mạnh.
Các thành phố khác tuy không bị cách ly nhưng nỗi sợ vẫn bao trùm tương tự. Người người nhà nhà đóng cửa thu mình, không còn tấp nập đi đền chùa, hàng quán. Sức tiêu thụ vì thế giảm mạnh, và sẽ càng tệ dần theo thời gian dịch hoành hành. Năm ngoái doanh số bán lẻ chỉ riêng trong tuần lễ đầu năm đã đạt 144 tỷ USD, gấp 3 lần mức trung bình.
Một vài ngành công nghiệp hiện còn đang dính những đòn chí mạng. Năm ngoái dịp lễ hội thế này đóng góp tới 9% tổng doanh thu phòng vé Trung Quốc, năm nay thì có tới 11000 rạp phim đóng cửa. Du lịch nội địa tuần lễ đầu năm đạt 500 tỷ nhân dân tệ trong năm trước, năm nay thì hầu hết là những thông báo huỷ tour.
Cũng đang dần dấy lên nỗi bất an virus sẽ làm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh. Các doanh nghiệp Trung Quốc vốn hay rã rời sau kì nghỉ Tết, nay lại càng rệu rã hơn với lịch nghỉ kéo dài tới 10/2. Ngay cả một công ty lớn như Tencent cũng bị giảm hiệu suất dù cho nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà. Thêm nữa, khoảng 10 triệu công nhân ngoại tỉnh xem chừng cũng đợi dịch qua đi một thời gian mới dám quay lại chen chúc trong khối công việc khổng lồ tại thủ đô như thường lệ.
THẾ GIỚI ĐỀU CẢM NHẬN NỖI ĐAU…
Sự khác biệt đáng kể trong đại dịch lần này chính là việc Trung Quốc nay đã đóng tới 16% GDP toàn cầu, thay vì 4% như hồi SARS 2003. Các quốc gia gắn với dòng du khách Trung Quốc sẽ đối mặt với một thử thách lớn bởi Chính phủ đã ra thông báo hoãn toàn bộ các chuyến du lịch nước ngoài cho tới khi tình hình được kiểm soát. Tại Thái Lan, ước tính nước này sẽ mất đi 2 triệu tới 9 triệu du khách Trung Quốc, thiệt hại khoảng 1.5 tỷ USD lợi nhuận.
Các công ty nhắm tới tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc cũng đang trong thế dễ tổn thương. Starbucks đã tạm thời đóng cửa hơn một nửa trong số 4292 cửa hàng toàn quốc, những điểm bán còn lại cũng nêu rõ người mua cần đeo khẩu trang trước khi vào quán. Disney đã có quyết định tạm đóng cửa tổ hợp nghỉ dưỡng tại Thượng Hải ngay trong tuần lễ đầu năm – thời điểm mà họ có thể hái ra tiền. Điểm sáng duy nhất có lẽ là doanh số khẩu trang tăng mạnh cho những đơn vị như 3M.
Đến lượt các nhà máy. Vũ Hán là một công xưởng khổng lồ, nhất là về mảng ô tô. Nissan, Honda hay General Motors đều có những chuỗi nhà máy tại đây. Bloomberg đã xếp hạng Vũ Hán đứng thứ 13/3000 các thành phố đóng góp vào các chuỗi cung ứng. Một công ty địa phương tên Yangtze Optical Fibre and Cable, là nhà sản xuất lớn nhất của các loại cáp viễn thông trên toàn thế giới.
Cho dù sự gián đoạn ở nơi khác có nhỏ hơn thì chúng cũng ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành nghề đơn vị. Ví như 80% nguyên liệu làm thuốc đến từ Trung Quốc, hay 90% hoa nhựa cũng là do Trung Quốc cung cấp, đặc biệt có Foxconn – đơn vị sản xuất điện thoại cho Apple – đã mất đi 10% giá trị cổ phần.
Thực tế nhiều doanh nghiệp đã cố gắng tự lực cánh sinh, sao cho tránh khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc – một ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Giờ đây, đại dịch từ virút là là một lời nhắc nhở rằng hãy sáng suốt mà đa dạng hoá nhà cung cấp, dù rằng việc này qua thực tế cho thấy là chẳng hề dễ dàng. Giá trị xuất khẩu của Trung Quốc thực tế vẫn tăng, chỉ có doanh nghiệp tìm nguồn thay thế là vất vả.
Tổng kết lại, kinh tế Trung Quốc có mở màn ảm đạm cho năm Chuột, và sự ảm đạm sẽ còn lan phủ khắp quốc tế. Chen Long, cố vấn từ hãng Plenum, dự đoán tăng trưởng sẽ chậm chạp ở mức 2% trong quý I, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, so với 6% quý IV năm 2019. Ông cũng tin vào sự khởi phát mạnh mẽ ngay khi Trung Quốc trở lại bình thường, người dân sẽ kéo nhau tới hàng quán sau thời gian dài không gặp mặt, các doanh nghiệp sẽ bù thêm vào khoảng thời gian đã mất, và chính phủ sẽ chi mạnh tay vào cơ sở hạ tầng như một cú hích phục hồi.
Nhưng bao giờ trở lại bình thường vẫn là một câu hỏi không lời giải đáp. Tại Dự Viên, ông Lý không thể chờ đáp án được, ông đã phải cho 3 nhân viên nghỉ làm không lương – chuyện thường thấy ở các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc.
Số người chết vì virút corona vẫn tiếp tục tăng. Toàn bộ người dân, không chừa một ai, đều đang phải trả giá.
Dịch từ bài viết "Locked down" trên tờ The Economist ấn bản điện tử ngày 01/02/2020.
Người dịch: Đinh Hữu Thế Anh - group QRVN

Archive

Contact Form

Send