Định Hướng Con Đường Ngân Hàng
ĐỊNH HƯỚNG CON ĐƯỜNG NGÂN HÀNG
Để chọn cho mình một vị trí phù hợp thì chỉ có một cách đó là hãy thử và làm 100% hết sức mình. Đối với bất kì công việc nào hay ngành ngân hàng nói riêng thì nghe hoặc học em chỉ tiếp thu được khoảng 20%. 80% còn lại đó chính là trải nghiệm. Em có thể nghe kinh nghiệm từ người này hay người khác nhưng nếu em không bắt đầu, không tự mình trải nghiệm thì nó chỉ là con số 0. Một vị trí để biết nó có phù hợp với mình hay không, hãy thử từ 1-2 năm trở lên, khi đó em mới có cái nhìn chính xác hơn cho mình.
======
TẠI SAO EM KHÓ CÓ THỂ CHÍNH XÁC NGAY TỪ ĐẦU KHI CHỌN VỊ TRÍ?
Một lý do đơn giản đó là hầu như khoảng thời gian đến hiện tại, phần lớn các em đang luôn chọn và làm theo định hướng của ba mẹ hoặc sẽ dễ bị ảnh hưởng từ môi trường bạn bè, người xung quanh. Sự quyết định của các em gần như rất hiếm hoặc không có. Và công việc em chọn sẽ luôn là việc mà em không thích vì đã gọi là công việc thì rất ít khi nó chính là điều em yêu thích. Bên cạnh đó, nếu em trong gia đình khá giả thì những quyết định của em còn bị hạn chế nhiều vì việc em làm ba mẹ đã dọn sẵn và em ít phải vận động bản thân mình.
Để cần định hướng cho mình muốn gì và mình hợp với vị trí nào thì ngay từ thời sinh viên hãy tăng trải nghiệm của mình lên: tham gia các câu lạc bộ, tham gia các cuộc thi, các chiến dịch tình nguyện, nếu có kinh doanh nhỏ hay đi làm part time càng tốt. Nhấc cái mộng mình lên để trải nghiệm đi, 4 năm đại học tưởng dài nhưng thời gian thoáng cái là hết. Nhìn lại em sẽ thấy rằng có khi trong tay mình chỉ là con số 0. Đối với sinh viên như các em, học là quan trọng để em có một tấm bằng tốt, đó sẽ là lợi thế khi em thi ngân hàng vì điều trước tiên ngân hàng xét đó là bằng cấp. Nhưng nếu em không tham gia bất cứ hoạt động gì ở trường thì đó lại là điều bất lợi ở em. Đừng chỉ chăm chăm học mà bỏ qua nhiều trải nghiệm cho chính bản thân.
Tham gia đoàn, câu lạc bộ, các nhóm nhỏ khác, đó là môi trường mà em có thể thử và sai. Đó chính là môi trường thu nhỏ khi em đi làm. Vì trong đó em sẽ phải học cách giao tiếp với mọi người, cách làm việc nhóm, cách quản lý đội. Ghét thằng này, nhỏ kia nhưng vẫn phải làm việc với nó vì mục tiêu chung là kết quả của cả nhóm. Đôi khi bản thân em cũng tập được cách quản lý cảm xúc của mình, dẹp cái tôi mình đi. Nhiều khi bị thằng trưởng nhóm hay thằng nào chức cao trong đó chửi mình chỉ vì không hoàn thành nhiêm vụ hay đơn giản có khi bị chửi mà đó không phải lỗi của mình.
Chỉ khi em tham gia các nhóm như vậy, em mới có cảm giác đó, mới học được trải nghiệm từ những việc xung quanh em. Đừng lúc nào cũng nghĩ rằng phải làm cái gì đó liên quan vị trí mình muốn hay một việc gì đó to tát mới gọi là trải nghiệm. Làm nhiều việc mà em chưa từng làm, thử những cái em không dám thì đó chính là trải nghiệm mà chỉ riêng bản thân em có ( dĩ nhiên đừng thử những cái xấu là được ).
Còn em đã năm cuối không còn nhiều TG để thử cho mình thì hãy tích cực đọc sách liên quan đến lĩnh vực, ngành của mình. Xem nhiều thông tin liên quan càng tốt. tập cho mình thói quen xem, đừng bữa xem bữa không mà hãy xem đều lên. Không cần em xem nhiều nhưng hãy xem đều nhé.
Để em có thể hình dung sơ qua về vị trí em muốn làm thì hãy vào website ngân hàng em muốn ứng tuyển->mục tuyển dụng, đọc bảng mô tả vị trí công việc. Dĩ nhiên em sẽ không thể hiểu hay hình dung hết nhưng ít ra em cũng có cái nhìn sơ về vị trí đó.
Vị trí nào cũng có thểà phù hợp với em cả nếu em luôn tìm cách để thích ứng với nó. Cái gì càng làm cho em khó chịu hay áp lực thì đó là lúc em đang phát triển, em đang bước ra khỏi vòng tròn thoải mái của mình. Lúc em mệt nhất đó là lúc em đang dần nâng cao sức chịu đựng của mình, càng trưởng thành hơn, em đang buộc mình vào con đường phải mạnh mẽ. Vị trí nào nếu em kiên định đến một mức nhât định nào đó em cũng sẽ làm được nếu em luôn tìm cách cho mình nó phụ thuộc nhiều vào suy nghĩ của em thui. Nếu em nghĩ em làm được em sẽ tìm cách, còn nếu em nghĩ không làm được, em sẽ luôn tìm lý do.
Kiến thức, kỹ năng quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là THÁI ĐỘ của em đối với mọi việc, cách em nhìn một vấn đề ra sao, luôn chọn cho mình góc nhìn tích cực thì cách em phản ứng cũng sẽ khác. Kết quả dù tốt hay xấu thế nào thì đều phụ thuộc vào phản ứng của em đối với sự việc em gặp phải. Do đó, hãy hành động liên tục, chọn cho mình góc nhìn tích cực trong mọi hoàn cảnh thì kết quả sẽ dần đến với em, không ở hiện tại thì cũng sẽ tại thời điểm em không ngờ nhất nó sẽ đến với em. Luôn tập cho mình cách nhìn đó sẽ có ích cho em trong công việc vì đi làm thì mọi thứ đôi lúc sẽ không phải nằm trong tầm kiềm soát của em. Nên cái gì bản thân mình quản tốt nhất thì hãy chỉ tập trung vào nó. Và cái đó là bản thân em, suy nghĩ của em, hãy quản nó tốt vào, chịu trách nhiệm 100% kết quả xảy ra đối với những gì mình làm, đừng đổ lỗi.
======
EM SẼ HỢP VỚI VỊ TRÍ NÀO TRONG NGÂN HÀNG?
Có nhiều vị trí khi mới ra trường em có thể apply vào nhưng thông thường đó là quan hệ khách hàng, hỗ trợ tín dụng, tài trợ thương mại, giao dịch viên, kế toán. Trong đó, tài trợ thương mại thường ít tuyển vì vị trí đó chủ yếu ở hội sở hoặc chi nhánh lớn. Về hỗ trợ tín dụng có ngân hàng sẽ yêu cầu kinh nghiệm, có ngân hàng không. Còn một số vị trí khác nữa nhưng 5 vị trí này thì con đường đi lên sẽ phát triển hơn.
Xem mình thích hợp vị trí nào thì như phần trên đã nói, quan trọng là chuẩn bị cách nghĩ, tư duy, thái độ của mình mới quan trọng. Nhưng để rõ hơn tí thì anh sẽ nói sơ qua thế này.
Các vị trí trên thì quy chung về hai cái đó là chạy chỉ tiêu hoặc không (nếu có thì cũng ít). Vị trí nào cũng vậy, sẽ có cái ưu và nhược riêng. Được cái này sẽ mất cái khác, tất cả chỉ đều là sự đánh đổi và em chấp nhận đánh đổi nó đến đâu để đạt được kết quả em muốn.
Đối với vi trí chạy chỉ tiêu như QHKH thì được nhiều mà mất cũng nhiều. Được trước nhé: Em sẽ quen biết mọi thành phần xã hội từ bình thường, giàu đến cực giàu do đó em sẽ có góc nhìn đa chiều. Bên cạnh đó tiếp xúc với rất nhiều người nên cách em nhìn 1 người cũng chuẩn hơn. Và vị trí này là vị trí mà phát triển nhanh nhất khi em làm được việc. Đa số các PGĐ, GĐ chi nhánh đều khởi điểm từ vị trí này. Vị trí này lương cũng cao nhất vì ngoài lương, thưởng còn có các khoản bồi dưỡng riêng. Và em sẽ học được rất nhiều từ vị trí này từ cách giao tiếp với khách hàng, cách làm nhiều việc cùng một lúc, cách quản lý cảm xúc và chịu được áp lực cao. Em không muốn mạnh mẽ thì vào vị trí này cũng buộc phải mạnh mẽ, em sẽ thay đổi và trưởng thành hơn rất nhiều từ nó.
Nhưng bù lại cái mất cũng khá lớn: đầu tiên đó là nhậu, vị trí này buộc phải nhậu mới có thể ra chỉ tiêu, nhiều khi không muốn nhưng công việc thì phải làm thôi. Công việc thì không bao giờ hết đâu, có khi đem cả việc về nhà. Hết việc này đến việc khác, em sẽ dễ bị cuốn vào công việc mà quên luôn cả chính bản thân mình. Đối với thời gian đầu đi làm sẽ làm em cực kì khó chịu và không quen vì nó khác xa mọi thức em học. Vị trí này cũng là vị trí nghỉ nhiều nhất. Đánh đổi tiếp theo đó là sức khỏe, áp lực lớn vì chỉ tiêu, thức khuya có khi đến 1-2 giờ sáng để làm tờ trình, để hoàn thành công việc, nhậu liên tục có khi nhậu cả tuần thì sức khỏe xuống là điều chắc chắn. Nếu em là con gái thì việc đi tiếp khách với phòng là điều dĩ nhiên. Con gái làm vẫn tốt vị trí này nhé, có khi lợi thế hơn so với con trai nữa ý. Nhưng nếu có gia đình thì mấy em sẽ mệt hơn. Vừa gia đình, vừa công việc, sếp, KH em sẽ dễ stress rất nhiều.
Đối với vị trí không chạy chỉ tiêu (hay có chạy nhưng tất ít): Cái được của em đó là không bị áp lực nhiều về chỉ tiêu, em sẽ đỡ nhẹ đầu hơn rất nhiều. Công việc sẽ xong trong ngày, ít khi đem việc về nhà. Do đó em sẽ có thời gian làm việc khác hơn. Với các vị trí không tiếp xúc với KH như hỗ trợ tín dụng, kế toán ngân hàng thì em sẽ đỡ phải giao tiếp với KH, chỉ giao tiếp nội bộ nên phù hợp cho các em không thích giao tiếp. Nghiệp vụ cũng chỉ xoay quanh một số chính, lặp lại nhiều nhưng với số lượng lớn như giao dịch viên chẳng hạn. Em sẽ học được cách quản lý cảm xúc của mình vì nhiều khi bị chửi mà vẫn phải luôn cười với KH.
Mất thì cũng không nhiều lắm đó là sự linh hoạt, em sẽ không được tự do ra ngoài giống như QHKH. Chỉ ở trong phòng làm việc đến hết giờ thôi. Công việc không đem về nhà nhưng tùy chi nhánh và ngân hàng có khi em sẽ làm đến 8-9h đêm mới về. Không chạy chỉ tiêu nhưng bù lại có khi em sẽ làm các báo cáo trong phòng nhiều hơn. Và dĩ nhiên lương sẽ thấp hơn so với QHKH và con đường phát triển cũng sẽ chậm hơn. Không giao tiếp nhiều với KH như GDV chỉ giao tiêp nội bộ thì có khi giao tiếp này nó còn khó chìu hơn cả KH, dĩ niên cũng tùy chi nhành và mô trường em làm việc thôi.
======
CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN RA SAO?
Đối với QHKH: con đường em đi sẽ như thế này
Chuyên viên QHKH-> Trưởng nhóm QHKH (tùy ngân hàng)->Phó phòng/Trưởng phòng Quan hệ khách hàng-> Phó giám đốc/Giám đốc Chi nhánh
Đối với GDV: con đường em đi sẽ như thế này
Giao dịch viên->Kiểm soát viên->Trưởng/phó phòng Dịch vụ khách hàng->Phó giám đốc/Giám đốc chi nhánh
Các vị trí còn lại cũng như 2 vị tri trên cũng đều phải qua đó là Phó phòng/Trưởng phòng, rồi đến Phó giám đốc/Giám đốc Chi nhánh.
Đó là con đường đi thẳng, nhiều khi em sẽ mất nhiều thời gian hơn vì em phải luân chuyển qua một số phòng ban khác. Làm ngân hàng thì luân chuyển công việc từ phòng này qua phòng khác, hay đang làm chi nhánh xuống phòng giao dịch là bình thường. Khi tách chi nhánh, thành lập phòng giao dịch mới, thời gian rút ngắn hơn từ chuyên viên lên phó phòng. Nên có câu là: “ 10 năm phấn đấu không bằng một năm cơ cấu”.
Từ chuyên viên lên phó phòng nếu em giỏi có thể mất 3-4 năm, còn không sẽ lâu hơn. Đi xa hơn nữa sẽ mất TG hơn, chục năm trở lên là bình thường.
======
EM PHẢI LUÔN NHỚ THẾ NÀY?
Không có công việc nào ngồi không, làm ít mà hưởng lương cao đâu, bất kể vị trí nào cũng sẽ có sự đánh đổi một khó khăn gì đó tương đương. Bỏ ngay tư tưởng em vào làm ngân hàng cho nó ổn định, nhìn nó sang chảnh vì không có gì là bất biến cả. Cái chính là phát triển mình lên đi, đừng có dậm chân tại chỗ rồi chính bản thân mình kéo mình tuột lại phía sau vì cái tư tưởng ổn định đó.
Không phải em có phù hợp công việc hay không mà là em đã chuẩn bị gì để phù hợp với nó chưa hay TG em dành chỉ để lướt facebook, đọc thông tin người khác còn nhiều hơn thông tin về lĩnh vực của em. Dành TG hiểu người khác hơn là chính bản thân mình. Không phải công việc không phù hợp với em mà là em chấp nhận đánh đổi, chịu cực với nó như thế nào. Hay là do em đã quen sướng nên khó tí là bắt đầu thấy không thoải mái.
======
TẠI SAO EM CẢM THẤY KHÔNG PHÙ HỢP VỚI CÔNG VIỆC?
Điều đầu tiên đó là nếu em quá giỏi trong thời sinh viên thì CÁI TÔI của em sẽ cản trở em rất nhiều. Khi vào làm em sẽ cảm thấy khó chịu vì phải vào khuôn khổ, không còn được tự do như thời sinh viên. Em có thể rất giỏi nhưng nó chỉ phát huy tốt khi em cuối người xuống và phát huy nó thời gian sau. Thời gian đầu, CÁI TÔI càng lớn em càng cảm thấy rằng vị trí này không xứng với mình, sếp nó làm ngu hơn mình, đồng nghiệp nó làm sao chậm thế. Mà thật ra người NGU NHẤT chính là bản thân em.
Làm bất cứ việc gì cũng phải xin phép, phải nhìn mặt người này, ngó mặt người kia để làm việc trong khi ở nhà em là công chúa hay hoàng tử, mệnh lệnh của em là nhất. Nên vào làm phải nghe người khác là điều không thể chịu được.
Luôn nhìn người khác để so sánh bản thân mình với họ, lấy mức lương thu nhập để so sánh thằng nào giỏi hơn. Mà em không biết rằng, thời gian đầu cái cần nhất chính là sự lăn xả, làm như trâu để thời gian sau mới thấy rằng, lúc mình là trâu đó sao mà nó sướng ghê.
Em đánh giá em rất cao, em giỏi nhưng cái em thể hiện có thật sự xứng với điều em đánh giá không. Em muốn thu nhập 10tr-20tr nhưng em làm với thái độ và sức mình ra sao, hay em chỉ làm với đúng cái giá trị là 3tr, thậm chí là thấp hơn.
Và điều tiếp theo đó chính là giao tiếp với môi trường em làm. Nhiều khi em sẽ cảm thấy bị cô lập, mình không thể hòa vào được tập thể thì khi đó cần xem lại là bản thân em. Hòa nhập nhưng không hòa tan. Nâng quan điểm mình lên, tại sao chỉ vì không hòa được với phòng mà thấy chán. Cái cần chú ý là em làm được gì, em trải nghiệm được gì và mang lại kết quả gì. Khi em có kết quả, em sẽ có tiếng nói. Không có kết quả thì ngậm miệng và HÀNH ĐỘNG thui, không ý kiến.
Khi đi làm ngoài lương ra thì môi trường làm việc và sếp sẽ ảnh hưởng nhất đến công việc của em. Một số ngân hàng khi em vào làm có khi bản thân em phải tự bơi, không có ai hướng dẫn. Do đó, không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm như thế nào và cảm thấy công việc nó vượt khỏi tầm tay mình. Thế là thấy vị tri mình làm không phù hợp. Nên ngay khi có ý định vào ngân hàng thì cứ trong đầu chuẩn bị sẵn trước TƯ DUY tự bơi đi nhé, tự bơi ngay từ những việc nhỏ nhất mà xung quanh bản tân em. Tập cách tự quyết cho bản thân mình, tự học hỏi và phát triển để khi vào làm ngân hàng gặp hoàn cảnh éo le đó cũng không phải bị thất vọng. Dĩ nhiên, không ai hướng dẫn thì cũng ráng cắm mặt mà học, dẹp cái NGU, mặt dày lên để đi hỏi nhé. Đừng dấu cái NGU đó để cuối cùng không biết làm gì, làm không được việc trong khi không chịu hỏi. Hỏi 1 lần không trả lời thì nhiều lần, 1 người không được thì nhiều người miễn sao tu được cái mình cần. Nên tách bản thân ra khỏi sự việc để đạt được kết quả. Có thể không thích cái người hướng dẫn mình, hoặc người mình muốn hỏi không quan tâm mình thì cứ hỏi đi, nghe chửi NGU đi, cốt yếu sao cho người đó xì ra cái mình cần là được.
Đừng đem mỗi việc mình làm được hay công sức mình bỏ ra mà quy ra tiền, đáng lẽ em phải được thế này, đáng ra em phải được thế kia đúng với sức mình. Em chỉ có quyền đòi hỏi khi em có kết quả, kết quả là tiếng nói mạnh nhất. Không có kết quả thì lại cài như trâu để phát triển mình thui.
Điều cuối cùng, em cảm thấy không phù hợp vì em ghét thằng sếp. Đã lên sếp thì não phải có nếp hơn em rồi, đừng nghĩ :” Sao ngu thế mà cũng lên được nhỉ”. Khi nào mình lên đến được vi trí đó rồi mới có quyền lên tiếng. Một lần nữa, tách con người ra khỏi sự việc, tập trung kết quả, việc mình cứ làm sao cho ra kết quả. Lấy động lực ghét thằng sếp đó mà cố gắng, có khi vì thằng sếp đó mà làm em giỏi vượt bật không chừng vì cái gì khó cũng lôi em ra làm, cái gì phức tạp cũng bắt em làm. Thế nên, góc nhìn là nên cám ơn họ đi nhé : )). Dĩ nhiên, đến một chừng mực nào đó, không còn phù hợp với con đường lựa chọn của em thì em cứ dứt khoát. Chỉ sợ là em không có gì để người khác bóc lột thui. Còn bị bóc lột thì hãy để họ bóc hết khả năng của em nhé.
P/S: Tất cả những gì chia sẻ chỉ là góc nhìn một chiều từ anh, bất cứ việc nào cũng vậy chỉ khi nào bản thân em trải qua em sẽ cảm cho riêng bản thân mình. Đừng nghe anh và cũng đừng tin, cứ ghi nhận và cảm theo cách của em nhé.
Ai đồng hành cùng anh hok nhỉ?
======
+Khóa QHKH: https://goo.gl/tfWyNX
+Khóa GDV: https://goo.gl/3GbCif
+Từ Bỏ Lối Mòn, Mở Lối Đi Riêng: https://big4bank.hachium.com/khoa-hoc/tu-bo-loi-mon-mo-loi-di-rieng