Cung Cấp Thông Tin Khách Hàng – Một Số Chú Ý Cần Biết

Cung Cấp Thông Tin Khách Hàng – Một Số Chú Ý Cần Biết


CUNG CẤP THÔNG TIN KHÁCH HÀNG – MỘT SỐ CHÚ Ý CẦN BIẾT
Cung Cấp Thông Tin Khách Hàng – Một Số Chú Ý Cần Biết
Trong hoạt động của các ngân hàng hiện nay, ngoài các quan hệ giao dịch với khách hàng để tìm kiếm lợi nhuận cho hoạt động kinh doanh thì các quan hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi ngân hàng nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về tài khoản tiền gửi, tiền vay, đăng ký hộ khẩu thường trú của cá nhân mở tài khoản tại ngân hàng… để phục vụ công tác điều tra hay giải quyết tranh chấp nào đó. 
Trong phạm vi bài viết, chia sẻ kinh nghiệm dựa trên những quy định của pháp luật trong việc cung cấp thông tin có liên quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng tại ngân hàng đảm bảo đúng quy định.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ
Một nhóm cán bộ 3 người mặc sắc phục công an cùng với 1 tờ giấy giới thiệu, bên dưới giấy giới thiệu là chữ ký và dấu đóng của Trưởng công an phường giới thiệu 3 đồng chí đến Ngân hàng X với mục đích đề nghị Ngân hàng X hợp tác để sao kê lịch sử giao dịch, biến động về tài khoản của đối tượng trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản vừa mới xảy ra.

Giao dịch viên T của Ngân hàng X đã mời 3 đồng chí công an vào phòng làm việc để Ngân hàng X tiến hành các thủ tục phối hợp thực hiện.

Tương tự là trường hợp của giao dịch viên M tại Ngân hàng Y. Khi đang giao dịch chuyển tiền cho khách thì bỗng nhiên có 2 người tự xưng là phóng viên đến yêu cầu cung cấp thông tin về tiền gửi của đối tượng trong phóng sự điều tra tội phạm về ma túy mà theo như 2 phóng viên đó là đối tượng đã mở tài khoản tại Ngân hàng Y.

Ông K cùng vợ đến Ngân hàng Z mở tài khoản tiền gửi cá nhân của ông K. Sau khi mở tài khoản, ông K có gửi vào tài khoản 2 tỷ đồng để thuận tiện cho việc thanh toán tiền hàng trong việc làm ăn của ông K. 2 tháng sau, vợ ông K đến Ngân hàng Z yêu cầu giao dịch viên sao kê toàn bộ số dư, lịch sử giao dịch tài khoản tiền gửi của ông K đã mở tại Ngân hàng Z với mục đích phục vụ cho việc ly hôn của ông bà vì bà cần phải xác định được tiền và tài sản của ông K để yêu cầu Tòa chia tài sản khi ly hôn.

Đứng trước các tình huống nói trên, giao dịch viên các ngân hàng sẽ làm gì và quy trình thực hiện như thế nào, có cung cấp theo yêu cầu của các đồng chí công an, theo yêu cầu của phóng viên hay theo yêu cầu của bà vợ ông K hay từ chối cung cấp. Việc cung cấp hay từ chối cung cấp sẽ thực hiện như thế nào để không bị trách nhiệm pháp lý khi thực hiện.

PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ CUNG CẤP THÔNG TIN TIỀN VÀ TÀI SẢN GỬI CỦA KHÁCH HÀNG
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản quy định các ngân hàng chỉ được cung cấp thông tin về tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng khi việc cung cấp là theo yêu cầu của khách hàng hoặc người được khách hàng uỷ quyền. Việc cung cấp là để phục vụ hoạt động nội bộ của tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng. Cung cấp theo yêu cầu bằng văn bản của Tổng giám đốc tổ chức Bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Cung cấp theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Khi yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì văn bản yêu cầu ngân hàng cung cấp các thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do những người có thẩm quyền ký như: Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chánh án, Phó chánh án Toà án nhân dân tối cao; Thẩm phán Toà án nhân dân thực hiện theo quy định tại các văn bản do Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự; Chánh án, Phó chánh án Toà án quân sự; Thẩm phán Toà án quân sự cấp quân khu trở lên; Cục trưởng, Phó cục trưởng các cục nghiệp vụ Bộ Công an; Giám đốc, Phó giám đốc công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra cấp Bộ, cơ quan điều tra của công an tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân Việt Nam cấp quân khu trở lên; Chấp hành viên hoặc Thủ trưởng các cơ quan thi hành án các cấp được giao thi hành các bản án theo quyết định của Toà án các cấp; Tổng thanh tra nhà nước, Phó tổng thanh tra nhà nước; Chánh thanh tra, Phó chánh thanh tra thuộc các tổ chức thanh tra nhà nước và thanh tra chuyên ngành; Trưởng đoàn thanh tra được thành lập theo quy định của pháp luật về thanh tra, xét giải quyết khiếu nại tố cáo và chống tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên.

Chúng ta quay trở lại với tình huống của giao dịch viên T và M, có thể thấy việc công an phường và phóng viên đề nghị cung cấp thông tin đối với tiền gửi của khách hàng tại Ngân hàng X và Y là không đúng thẩm quyền và không thuộc những trường hợp ngân hàng phải cung cấp theo quy định. Trường hợp này, giao dịch viên cần báo ngay với lãnh đạo ngân hàng để từ chối cung cấp thông tin. Ngân hàng có thể đưa ra các văn bản quy định của Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước để từ chối cung cấp thông tin.

Trường hợp vợ ông K yêu cầu cung cấp số dư, sao kê lịch giao dịch đối với tài khoản đứng tên ông K là yêu cầu không có cơ sở pháp lý để giao dịch viên và Ngân hàng Z phải đáp ứng. Yêu cầu của vợ ông K là không có cơ sở theo quy định về cung cấp thông tin. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình đã quy định người nào đứng tên trên tài khoản dù là tiền trong tài khoản có là tài sản chung thì người đứng tên sẽ có toàn quyền giao dịch đối với tài khoản đó và người còn lại không có quyền đề nghị phong tỏa hay sao kê lịch sử giao dịch khi không được phép của chủ tài khoản hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Thứ nhất: Trong các văn bản lưu tại bàn làm việc của mỗi giao dịch viên cần có Nghị định số 70/2000/NĐ-CP, ngày 21/11/2000 của Chính phủ và Thông tư 02/2001/TT-NHNN, ngày 04/4/2001 của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cung cấp thông tin về tiền và tài sản gửi của khách hàng để khi gặp các tình huống tương tự, giao dịch viên biết cách xử lý đúng quy định bảo vệ cho chính việc làm và hành động của mình.

Thứ hai: Tại các ngân hàng hiện nay đều có bộ phận pháp chế hoặc bộ phận kiểm tra kiểm soát nội bộ, do vậy, các giao dịch viên nếu gặp trường hợp tương tự mà mình không biết xử lý như thế nào cho đúng thì hãy liên hệ với họ để được tư vấn cách thức xử lý, đảm bảo tuân thủ.

Thứ ba: Nếu ngân hàng xem xét đủ điều kiện để cung cấp thông tin thì việc xem xét, sao chụp các dữ liệu liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng phải do Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc người được Tổng giám đốc (Giám đốc) ngân hàng uỷ quyền quyết định.

Thứ tư: Trường hợp ngân hàng xét thấy đủ điều kiện cung cấp thông tin theo yêu cầu, thì khi cung cấp thông tin, giao dịch viên hoặc những bộ phận tại ngân hàng khi cung cấp phải tiến hành lập biên bản cung cấp thông tin và tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến việc cung cấp thông tin.

Thứ năm: Hiện nay, việc cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng là việc làm diễn ra thường xuyên, liên tục tại các ngân hàng, vì thế, các ngân hàng cần ban hành quy định nội bộ về cung cấp thông tin dựa trên các quy định của pháp luật để các giao dịch viên, lãnh đạo ngân hàng khi thực hiện cung cấp đúng quy trình, đúng quy định đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.
Nguồn: Agribank

Archive

Contact Form

Send