Góc Khuất Nghề Tín Dụng

Góc Khuất Nghề Tín Dụng

 GÓC KHUẤT NGHỀ TÍN DỤNG

GÓC KHUẤT NGHỀ TÍN DỤNG
Nhân viên tín dụng (NVTD) được nhiều người gọi là nghề hot trong ngành ngân hàng nhưng đằng sau đó là những vất vả, gian nan mà chỉ người trong cuộc mới thấu

ĐÁNH ĐỔI

Tôi có một người bạn sau gần 8 năm làm NVTD của một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) ở TP Hải Dương bỗng một ngày bạn gọi điện thông báo bỏ việc. Tôi thấy rất lạ, bởi Phạm Phương Anh đã từng bỏ ngoài tai sự khuyên răn của bố, trách móc của mẹ, từ chối cơ hội làm việc nhàn nhã với mức lương hậu hĩnh không kém ở một “siêu" sở - nơi bố cô ấy làm lãnh đạo. Bởi ngày đó, nhân viên ngân hàng vẫn là một nghề hot, là ước mơ của không ít sinh viên mới ra trường. Giải thích về quyết định bỏ nghề mình yêu thích, Phương Anh cho rằng sự hào nhoáng, lịch thiệp và mức lương hậu hĩnh chỉ là bề nổi của nghề tín dụng, còn đằng sau đó là những góc khuất chỉ người trong nghề mới biết.

 

Chỉ sau vài tháng thử việc, bắt đầu được giao chỉ tiêu, những bữa cơm Phương Anh về ăn với bố mẹ thưa dần. Những cuộc nhậu hay những cuộc làm việc ngoài giờ với khách hàng ngày càng dày đặc. Nhưng hồi đó Phương Anh vẫn vui vì được mở mang tầm mắt, tiếp xúc với nhiều người. Chỉ khi lập gia đình, vừa phải làm dâu trong nhà vừa phải làm dâu trăm họ Phương Anh mới thấm. Những cuộc nhậu quá trưa, những buổi gặp gỡ với khách hàng vào ngày nghỉ và những áp lực khác từ công việc đã làm cho cuộc hôn nhân của Phương Anh mất dần hơi ấm. Tần suất những cuộc cãi vã do ghen tuông ngày càng nhiều lên theo tuổi nghề của cô ấy. Nén tiếng thở dài, Phương Anh bảo: “Tớ phải nghỉ làm thôi vì phải chọn gia đình hoặc nghề nghiệp. Cuộc sống hôn nhân có nguy cơ tan vỡ nếu tớ tiếp tục hy sinh quá nhiều vì nghề".

 

Chị Phạm Thị Thanh Ng. (35 tuổi), cựu NVTD của một ngân hàng TMCP khác ở TP Hải Dương đã từng phải nhập viện đến 3 lần/tháng vì ngất ngay ở phòng làm việc. Đến bây giờ, khi đã trở thành bà chủ của một cửa hàng kinh doanh quần áo lớn trên phố Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), mỗi lần nhắc về nghề cũ chị vẫn còn sợ. Đọc tặng tôi mấy câu thơ, chị bảo cứ nghe đi sẽ hiểu hơn về nghề tín dụng: "Nghề tín dụng tưởng hào nhoáng lung linh/Nhưng phía sau là nhọc nhằn cố gắng/Là tìm khách hàng ngược xuôi mưa nắng/Là miệt mài thức trắng những đêm thâu/Là kiên trì nhẫn nhịn tựa làm dâu...".

 

Chuyện làm dâu trăm họ mà chị Ng. nhắc đến ở đây là cách chiều lòng khách hàng. Gặp những khách hàng dễ tính thì không sao nhưng gặp phải những người khó tính để thuyết phục họ vay vốn khó lắm. Nhiều khi NVTD phải câm lặng chịu sỉ nhục và cả những lời quát tháo cay độc. Năm 2016, chỉ sau 2 ngày chuyển từ phòng giao dịch lên phòng khách hàng doanh nghiệp, chị Ng. đã bị giao chỉ tiêu cho vay 3 tỷ đồng và huy động 2 tỷ đồng. Ngay sau đó, để huy động được vốn, chị đã phải đi tiếp rượu cùng một vị khách ở tận Kim Thành vì họ hứa sẽ gửi vào ngân hàng của chị gần 1 tỷ đồng. 8 giờ tối tàn cuộc nhậu, chị xin phép ra về nhưng khách hàng lại rủ đi hát. Con ốm, chồng đi công tác nên chị thấp thỏm xin về sớm nhưng vị khách ấy một mực không đồng ý, còn dọa nếu chị từ chối ngay ngày hôm sau sẽ gửi tiền vào ngân hàng khác. "Nghĩ đến chỉ tiêu chưa hoàn thành, tôi đành nhắm mắt chấp nhận. 11 giờ đêm mới về đến nhà, con sốt cao, chị hàng xóm phải sang trông hộ, thương con lúc đó nước mắt tôi lã chã rơi”, chị Ng. nhớ lại. Kể từ ngày chuyển lên phòng tín dụng, áp lực công việc quá lớn khiến chị Ng. bị bệnh tiền đình nặng và cuối cùng phải xin nghỉ việc.

 

ÁP LỰC

“Mỗi sáng thức giấc, điệp khúc huy động, cho vay lại quay cuồng trong đầu”, chị Phạm Thị Hằng, nhân viên của Vietinbank chi nhánh Hải Dương mở đầu câu chuyện kể về áp lực chỉ tiêu hay còn gọi là KPI (năng suất lao động) mà NVTD luôn lo sợ. Bước vào nghề đúng thời điểm ra đời của nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh nên cạnh tranh diễn ra khốc liệt, chỉ tiêu huy động vốn tăng dần hằng tuần chứ không phải hằng tháng, chị Hằng phải quay cuồng với chỉ tiêu số tiền đã được giao. Chồng chị Hằng làm trưởng một phòng của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam ở khu công nghiệp Đại An với mức lương khá. Nhưng vì tôn trọng nghề nghiệp của vợ, anh không muốn chị nghỉ việc. “Những bữa cơm gia đình thiếu đầm ấm vì cô ấy thường xuyên về muộn. Việc học hành của con, tôi cũng phải đảm nhận. Thậm chí ngay trong giấc mơ cô ấy cũng nhắc đến chỉ tiêu phải thực hiện. Có lẽ áp lực công việc là nỗi ám ảnh thường xuyên của cô ấy”, anh Nguyễn Văn Vũ, chồng chị Hằng xót xa nói.

 

Huy động và cho vay là việc chính của NVTD. Tìm được khách hàng đã khó nhưng làm thế nào để các sếp ngân hàng đồng ý cấp tiền còn khó hơn. Những năm gần đây, khi các ngân hàng đua nhau tăng trưởng tín dụng thì áp lực chỉ tiêu lại càng lớn. NVTD luôn rơi vào vòng xoáy chỉ tiêu nên vất vả chạy ngược, chạy xuôi. Vì thế nên cũng rất dễ dính phải rủi ro nợ xấu. Câu chuyện ở Vietcombank chi nhánh Hải Dương là một minh chứng. Năm 2012, một doanh nghiệp kinh doanh ô tô tự xưng là khách VIP muốn vay Vietcombank Hải Dương 50 tỷ đồng để kinh doanh xe ô tô. Tài sản thế chấp khi đó là 15 chiếc "sổ đỏ" của 15 thửa đất có vị trí đắc địa ở TP Hải Dương, giá trị hàng trăm tỷ đồng. Cơ ngơi của chủ doanh nghiệp này cũng khá hoành tráng, đồ dùng trong nhà thuộc dạng quý hiếm và đắt tiền. Sổ sách kế toán và các hồ sơ tín dụng khá đầy đủ. Doanh nghiệp cũng đang vay vốn một số ngân hàng khác với lịch sử tín dụng tốt.

 

Khi chúng tôi hỏi vì sao Vietcombank Hải Dương không quyết định giải ngân, anh Nguyễn Thùy Dương là một trong những lãnh đạo của ngân hàng này giải thích thời điểm đó, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp trong tỉnh gặp khó khăn. Thị trường bán xe ô tô du lịch ảm đạm, nhưng chủ doanh nghiệp lại “chém gió phần phật” là kinh doanh sẽ có lời. "Cân nhắc kỹ, xem xét tình hình kinh tế, tôi nhận thấy khả năng phát sinh lợi nhuận từ kinh doanh mặt hàng này không nhiều và tiềm ẩn rủi ro. Hơn nữa, chủ doanh nghiệp đầu tư làm hình ảnh quá nhiều. Cơ ngơi người này có được chưa hẳn là nhờ lợi nhuận trong kinh doanh mà có thể là từ vốn vay của những ngân hàng khác…", anh Dương phân tích. Những băn khoăn đó, cộng với kiểm tra thấy hồ sơ sổ sách mà doanh nghiệp trình ngân hàng lại là một loại riêng, không dùng để báo cáo thuế hay kiểm toán, nên dù thời điểm đó ngân hàng đang rất cần tăng trưởng dư nợ nhưng Vietcombank Hải Dương vẫn quyết định không cấp tín dụng cho khách hàng này. "Đúng là cẩn thận vẫn hơn, một thời gian ngắn sau, chuyện lừa đảo, chiếm dụng vốn ngân hàng với số tiền nhiều chục tỷ đồng của chủ doanh nghiệp đó đã bại lộ", anh Dương cho biết.

 

Câu chuyện trên chỉ là minh chứng về một trong những rủi ro mà NVTD có thể gặp phải. Người ta thường ví nghề tín dụng là "đóa hồng có gai" bởi nếu đạt chỉ tiêu được giao về huy động và cho vay suôn sẻ, nhân viên đó sẽ được thưởng một khoản tiền lớn mỗi tháng hoặc vào dịp cuối năm. Nhưng ngược lại, nếu không cẩn trọng có thể sẽ phải bỏ tiền túi ra đền, thậm chí phải ngồi tù nếu khoản nợ xấu đó lớn, ngoài tầm kiểm soát của cá nhân và ngân hàng gây thất thoát. Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân của BIDV chi nhánh Hải Dương chua chát nói: "Câu: Đứng cho vay, quỳ thu nợ đã trở thành đúc kết của dân nhà băng nhắc nhở nhau mỗi khi thực hiện các hợp đồng cho vay”.

 

NVTD có vai trò quan trọng trong các ngân hàng, những khoản họ huy động hay cho vay đều đem lại những lợi ích lớn cho ngân hàng mà họ đang làm việc. Dù vất vả, khó khăn nhưng những trải nghiệm mà nghề tín dụng mang lại cũng rất đáng quý. Đó là nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng biến trước mọi áp lực, khó khăn và quan trọng hơn là mức lương “khủng” họ được hưởng hằng tháng và những món tiền thưởng lớn mỗi khi họ vượt chỉ tiêu KPI.

 

Nghề nào cũng chứa đựng những áp lực, rủi ro nhưng sự yêu nghề, niềm đam mê với công việc vẫn giúp nhiều NVTD ngân hàng gắn bó, say sưa với công việc. "Mỗi một nghề lại có đá, có hoa/Ngân hàng chỉ nhiều hơn một chút/Bạn tôi ơi hãy cố lên một ít/Chẳng trái ngọt nào tự đến với ai". Đoạn kết bài thơ về “Nghề tín dụng” thay cho những tâm sự của những NVTD cũng giúp nhiều người trong đó có tôi hiểu thêm về một nghề nhiều vất vả nhưng cũng thật ý nghĩa.

Archive

Contact Form

Send