Vietinbank Trong Trái Tim Tôi

Vietinbank Trong Trái Tim Tôi

VIETINBANK TRONG TRÁI TIM TÔI

VIETINBANK TRONG TRÁI TIM TÔI

Sau khi nghỉ việc ở Công ty Đào tạo và Tư vấn nghiệp vụ ngân hàng, mặc dù nhận được lời đề nghị của chị Tổng giám đốc: “Nếu em thích vào vị trí nào trong ngân hàng, cứ nói với chị, hy vọng chị có thể giúp đỡ được em”. Nhưng lúc đó, do “cái sỹ” của bản thân, tôi đã từ chối lời đề nghị của chị và quyết tâm tự đi trên đôi chân của mình. Kỳ thi vào Vietinbank là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời đi làm của tôi.

 Khi nhận được thông tin tuyển dụng của Vietinbank, tôi rất tự tin chuẩn bị hồ sơ để nộp vào vị trí cán bộ quan hệ khách hàng SME, nhưng đã bị loại ngay từ vòng hồ sơ. Nguyên văn lời của chị ở phòng Tổ chức cán bộ ở Vietinbank như một gáo nước lạnh đối với tôi “Chúng tôi muốn tuyển nhân viên có kinh nghiệm một năm đi bán các sản phẩm tín dụng của ngân hàng chứ không phải là một năm kinh nghiệm chung chung, vì vậy hồ sơ của bạn không đạt yêu cầu”. Tôi đã rất chán nản song vẫn quyết tâm nộp hồ sơ lại một lần nữa với vị trí là Cán bộ Treasury của phòng Thanh quyết toán vốn kinh doanh mặc dù lúc đó tôi không biết được rằng vị trí đó cụ thể làm những việc gì, chỉ biết rằng vị trí đó không yêu cầu kinh nghiệm chắc chắn tôi sẽ vượt qua vòng sơ loại hồ sơ.

 Ngày đi thi cũng đến, ở Đại học Xây dựng hôm đó đông như thi đại học của các sỹ tử vậy, các thí sinh cũng tập trung ở hành lang, cắm cúi đọc sách, ôn bài để chuẩn bị vào thi. Trong danh sách 80 người sẽ thi vào vị trí của tôi thì chỉ có 60 người đến dự thi. Kết thúc buổi thi, tôi đã thấy mình làm bài rất tốt đặc biệt là phần thi tiếng Anh và IQ logic, phần nghiệp vụ thì chỉ chắc chắn được khoảng 70%, nhưng tôi vẫn tin rằng mình sẽ có cơ hội đi tiếp vòng sau. Khoảng 10 ngày sau, Vietinbank công bố 6 người bước tiếp vào vòng phỏng vấn, trong đó có tôi và 5 bạn nữ khác. Không hiểu sao, sau khi đọc thông tin đó, tôi có cảm giác như mình đã trúng tuyển đến nơi rồi. Nhưng hôm phỏng vấn, tôi vẫn cố gắng chuẩn bị một cách tốt nhất mặc dù biết mình rất có lợi thế tại vòng này. Khi phỏng vấn, tôi nhớ nhất một câu của chị Trưởng phòng hỏi lúc bây giờ là: “Chị thấy em là một người năng động, có kiến thức và hiểu biết, nhưng công việc ở phòng mình nó khá nhàm chán và đơn điệu, không biết em có muốn làm việc lâu dài hay không?”. Lúc đó, tôi đã trả lời: ”Thưa chị, em nghĩ rằng không có bất cứ công việc nào là nhàm chán cả, mọi công việc đều có ý nghĩa của nó quan trọng là mình có tìm thấy ý nghĩa trong công việc mình làm hay không. Em đã từng đọc một câu chuyện về gia đình người Nhật được lựa chọn để sản xuất độc quyền nút chai bằng gỗ cho hãng rượu vang nổi tiếng của Pháp. Khi họ đam mê với công việc thì họ có thể đạt đến độ tinh xảo nhất trong công việc đó”. Mặc dù lúc đó biết rằng mình cũng hơi “chém gió” nhưng có vẻ đó là một bước ghi điểm với nhà tuyển dụng. Cuối cùng, tôi đã được trúng tuyển vào Vietinbank sau gần 2 tháng chờ đơi. 

Bài học: Nhiều người bạn nói tôi ăn may, 6 người phỏng vấn mà 5 người là nữ rồi thì mày chắc chắn trúng tuyển rồi còn gì. Nhưng các bạn ấy không biết rằng trong 60 người dự thi hôm đó thì hơn một nửa là nam. Tôi sẽ không được lọt vào phỏng vấn nếu bài thi viết của mình kém và cũng sẽ không được chọn nếu không thể hiện được trong buổi phỏng vấn. May mắn chỉ đến với những người kiên trì hành động và theo đuổi mục tiêu của mình. 

Nhưng quả là đời không như là mơ, sau 2 tháng đầu tiên làm ở Vietinbank, tôi thấy rất chán nản và thất vọng. Có vẻ như lời chị trưởng phòng nói là đúng, công việc rất đơn điệu và nhàm chán. Hằng ngày, tôi nhận danh sách deal mua bán ngoại tệ với chi nhánh, nhiệm vụ duy nhất của tôi là nhìn số lượng, tỷ giá, nếu đúng thì ấn confirm, nếu sai thì chat với đội hỗ trợ để sửa lại deal. Hằng ngày, phải đến 3 giờ chiều mới bắt đầu có danh sách deal chuyển sang phòng tôi, và đến 5h chiều là đã hết việc, mọi người bắt đầu ra về. Thực sự lúc đó, tôi chỉ muốn nghỉ việc ngay sau 2 tháng đầu thử việc, mình đã cố gắng bao nhiêu công sức để thi vào đây, khả năng học hành của mình cũng không phải là kém (lúc đó tôi cũng vừa nhận được thông báo là đã pass kỳ thi CFA level 1) mà tại sao lại phải đi làm những công việc nhàm chán này. Và thú thật lúc đó, tôi cũng đã nộp đơn sang vị trí Chuyên viên ODA của Liên Việt. Sau khi nói chuyện với một người bạn làm HR bên Liên Việt, tôi thấy thu nhập của vị trí đó chỉ bằng 2/3 thu nhập của tôi ở Vietinbank nên tôi quyết định không đi phỏng vấn ở bên đó nữa. Sau đó, tôi cũng đi phỏng vấn ở một số nơi khác nữa nhưng cũng không thành công hoặc không cảm thấy phù hợp với bản thân.

 Cái gì bạn không thay đổi được hãy thích nghi với nó. Vì vậy, tôi quyết tâm sẽ thích nghi và làm tốt nhất công việc mình được giao ở nơi đây. May mắn, tôi tìm đọc được cuốn sách “Triết lý chợ cá cho cuộc sống”, theo cuốn sách đó thì những người bận rộn thường dành 75% thời gian hằng ngày của mình cho công việc thì tại sao không tạo ra hứng thú đối với công việc. Câu nói tôi nhớ nhất trong cuốn sách đó là “Công ty không phải là một nhà tù, nhưng đôi khi vô tình chúng ta biến nó thành nhà tù qua cách chúng ta làm việc ở đó. Chúng ta đã tự xây nhà tù cho chính mình, và những bức tường chính là sự giới hạn lòng tin của bản thân”. Tôi đã tự nhủ với bản thân, tôi không muốn sống trong một nhà tù như vậy, tôi sẽ làm tốt nhất các công việc của mình và sẽ trân trọng những gì mình đang có. 

Đầu tiên, tôi học cách làm việc nhanh nhất có thể và chấp nhận làm cả những công việc của người khác để học hỏi thêm về công việc. Những lúc rảnh rỗi, tôi đọc sách về nhiều chủ đề khác nhau. Tôi đã download bộ 50 cuốn sách hay về kinh doanh về máy tính để đọc, bên cạnh đấy, tôi cũng mua 1 chiếc kindle để có thể copy các cuốn sách vào trong lúc rảnh. Với nỗ lực của mình, tôi đã khá thành thạo các công việc trong phòng và được sếp tin tưởng giao cho phụ trách các sản phẩm phái sinh khó hơn, soạn thư công tác để đóng góp ý kiến của phòng vào quy trình, sản phẩm của phòng ban khác. Nhưng may mắn hơn cả là chị phó phòng đã nhìn thấy những điểm tích cực của tôi, chị đã dẫn dắt tôi đi cùng để làm 2 dự án lớn của Vietinbank là dự án Treasury và dự án ORP. Qua 2 dự án đó, tôi được hiểu sâu hơn về hệ thống và quy trình của Treasury, hiểu về cơ cấu tổ chức của một ngân hàng và đặc biệt là các ngân hàng do Mckinsey tư vấn. Được đi làm dự án, tôi làm rất say mê, thậm chí sẵn sàng ở lại đến 3-4 giờ sáng cùng mọi người để làm chuyển đổi dữ liệu, 9h sáng ngày hôm sau tiếp tục đến chấm kết quả.

 Sau này, tôi mới biết được rằng, việc tôi được đi dự án đó là chỉ đạo của chị Trưởng phòng. Ngày cuối cùng tôi làm việc ở Vietin, ngồi tâm sự với một chị có tuổi đời khá lớn ở trong phòng, chị đã nói với tôi rằng: “Hùng đi thế này sếp tiếc lắm đấy, hôm đi phỏng vấn về sếp rất vui vì nói là đã tìm được một đứa phù hợp cho phòng mình, nhưng sếp cũng bảo, chắc phải cho nó đi làm dự án chứ để nó làm việc ở phòng thế này chẳng mấy mà nó nghỉ”. Tôi rất xúc động khi được nghe những lời đó, đến bây giờ, tôi vẫn thầm cảm ơn chị trưởng phòng và chị phó phòng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc. Ngay cả khi tôi chuyển sang MB, hai chị ấy đều cho tôi những lời khuyên vô cùng giá trị khiến tôi thấm thía đến tận ngày hôm nay. Những kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ tôi tích lũy được từ Vietinbank vẫn được tôi sử dụng trong công việc hiện tại. Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi vẫn vào website của Vietinbank để đọc và cập nhật tin tức về ngân hàng, tôi thấy rất vui vì Vietinbank đang lớn mạnh và phát triển, xứng đáng là một trong những ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam. 

Qua câu chuyện của mình về thời gian được làm việc ở Vietinbank, tôi chỉ muốn nhắn gửi đến các bạn: Tuổi trẻ hãy sống có trách nhiệm, hãy cống hiến cho công ty của mình, đừng chưa làm mà đã so sánh thiệt hơn, những gì cần đến sẽ đến, cuộc đời này luôn công bằng theo một cách nào đó.

Bài viết của Kiều Việt Hùng tham gia cuộc thi “Ngân hàng tôi yêu”

Archive

Contact Form

Send