Rủi Ro Nghề Nghiệp Liên Quan Đến Thanh Toán Quốc Tế Tại Ngân Hàng
RỦI RO NGHỀ NGHIỆP LIÊN QUAN ĐẾN THANH TOÁN QUỐC TẾ TẠI NGÂN HÀNG
Trong
các vụ án mà Tòa án đưa ra xét xử có những vụ án mà cán bộ, người có liên quan
không làm việc tại bộ phận tín dụng nhưng vẫn bị truy tố về tội vi phạm các quy
định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng, vậy, câu hỏi được đặt ra là
tại sao không làm những công việc liên quan đến tín dụng sao vẫn bị truy tố về
tội có liên quan đến tín dụng. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin chia sẻ những
kinh nghiệm thực tế có liên quan đến cán bộ thanh toán quốc tế tại các Ngân
hàng và cách phòng tránh trách những rủi ro nghề nghiệp liên quan đến thanh
toán quốc tế tại Ngân hàng.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ
Vào những năm 2010 – 2012, hoạt động của các
Ngân hàng tại Việt Nam liên quan đến mở L/c, thanh toán L/c nhập khẩu hàng hóa
diễn ra tương đối nhiều và thủ tục, trình tự cũng rất giản đơn, tiện lợi, hữu
ích cho khách hàng, đồng thời, mang lại nguồn lợi lớn cho Ngân hàng…
Giang
là cán bộ thanh toán quốc tế làm việc tại Phòng thanh toán quốc tế Ngân hàng X,
dù mới làm được gần 2 năm nhưng đã được lãnh đạo Chi nhánh đánh giá, tin tưởng
đưa vào quy hoạch và chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ Phó phòng. Sự việc xảy ra đối với
Giang như là định mệnh và có lẽ cuộc đời này Giang không bao giờ quên. Cuối giờ
chiều sau khi chuẩn bị các hồ sơ, dọn dẹp bàn làm việc thì Giang nhận được hồ
sơ chuyển L/c từ cán bộ tín dụng chuyển cho Công ty có tài khoản tại Thụy Sỹ
đang đặt quan hệ tín dụng với số tiền hơn 2 triệu USD kèm theo lời nhắn gọi cho
Giám đốc để xem chỉ đạo cụ thể. Vốn tính cẩn thận, Giang xem lại hồ sơ mà anh
cán bộ tín dụng vừa đưa và thấy tất cả chỉ là bản fax, chuyển L/c mà không hề
có yêu cầu của khách hàng, không có chữ ký của Giám đốc phê duyệt, nếu so với
quy trình thanh toán quốc tế mà Giang vẫn làm hàng ngày thì hồ sơ này chưa thể
chuyển được, đang định lấy máy điện thoại gọi cho Giám đốc thì Giám đốc đã gọi
cho Giang với chỉ đạo “em cứ chuyển tiền đi, chị đang ở nước ngoài đầu tuần sau
chị về chị sẽ ký và hoàn thiện hồ sơ cho em sau vì khách hàng đang cần tiền gấp
để kịp cho việc mua quyền sở hữu của thương hiệu thời trang cho việc sản xuất của
Công ty sau này trên lãnh thổ Việt Nam. Chị cũng đang trực tiếp xem xét nhãn hiệu
thời trang mà Công ty đang có ý định mua, không sao đâu, e cứ chuyển tiền, nếu
có việc gì, chị làm Giám đốc chị sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm…”, mặc dù Giám đốc
đã trực tiếp gọi điện và chỉ đạo, nhưng Giang vẫn cảm thấy bất an, sau một hồi
suy đi tính lại, Giang quyết định chuyển tiền theo chỉ dẫn trên bản fax trong hồ
sơ mà anh cán bộ tín dụng đã đưa sang cho Giang. Giữ đúng lời hứa đầu tuần sau,
chị Giám đốc của Giang đã về trụ sở và hoàn thiện toàn bộ những gì còn thiếu
sót trong hồ sơ mà Giang đã chuyển tiền tuần trước và phần nào đó, Giang đã cảm
thấy yên tâm.
Bẵng
đi một thời gian, tưởng rằng mọi việc không có gì thì cũng vào một buổi chiều
cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với
Giám đốc của Giang để điều tra làm rõ việc cho vay đối với Công ty mà Giang đã
chuyển L/c và cũng gần một tuần sau đó, Giang cũng bị Cơ quan cảnh sát điều tra
quyết định khởi tố và bắt tạm giam để điều tra.
Qua
quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã xác định khi thực hiện yêu cầu từ Giám
đốc, Giang đã làm thủ tục chuyển 2 triệu USD thanh toán tiền mua thương hiệu,
dù chưa có phê duyệt của lãnh đạo Ngân hàng trên điện chuyển tiền và các công
văn kèm theo để thực hiện điện chuyển tiền nhưng Giang vẫn thực hiện chuyển tiền
theo yêu cầu của Giám đốc khi không có bản gốc lệnh chuyển tiền của Công ty, bản
sao y bản chỉ dẫn tên, số tài khoản và địa chỉ của người được hưởng (tất cả đều
là bản fax), hồ sơ giải ngân chưa có báo cáo giải ngân cho phần nhượng quyền
thương hiệu. Hành vi này của Giang là trái với quy định nội bộ về thanh toán quốc
tế tại Ngân hàng.
Tại
bản án sơ thẩm của Tòa án đã tuyên Giang phạm tội vi phạm quy định cho vay
trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng tiền của
Ngân hàng và với hành vi đó, Giang chịu mức án 8 năm tù cùng với đó là việc
liên đới bồi thường hơn 5 tỷ đồng tiền thiệt hại cho việc làm sai trái của
mình.
Có
thể thấy rằng, bản án mà Tòa án đã dành cho Giang là tương đối nặng so với một
cán bộ thanh toán quốc tế như Giang và khi nhìn nhận một cách khách quan từ
hành vi và việc làm của Giang.Chúng tôi mong và chia sẻ những kinh nghiệm sau
khi đã chứng kiến những sai phạm liên quan đến nghiệp vụ thanh toán quốc tế
trong vụ việc của Giang với mong muốn hoạt động thanh toán quốc tế luôn tuân thủ
quy định, tránh trách nhiệm pháp lý của cán bộ cũng như những người có liên
quan.
MỘT SỐ LƯU Ý TỪ THỰC
TẾ PHÁT SINH
Có những vụ việc nếu chúng ta, những người có
thẩm quyền của bộ phận chuyên trách chú ý hơn trong quá trình xử lý thì những
trường hợp như của Giang tại Ngân hàng X sẽ không xảy ra. Trên cơ sở thực tế,
chúng tôi có một số lưu ý đối với hoạt động thanh toán quốc tế đang diễn ra tại
Ngân hàng với mong muốn sự hợp lý, sự chuẩn mực được tạo ra trong khuôn khổ
pháp lý đối với nghiệp vụ thanh toán quốc tế tại các Ngân hàng hiện nay:
Thứ nhất: Khi thực hiện công việc được giao
phải làm đúng từng bước những quy định mà nội bộ Ngân hàng đã ban hành, không cắt
bớt quy trình để làm tắt nếu bạn không muốn vướng vòng lao lý.
Thứ hai: Khi tiến hành lệnh chuyển tiền
trong thanh toán quốc tế, điều quan trọng là hồ sơ. Hồ sơ phải đảm bảo là bản gốc
(bản chỉ dẫn tên, số tài khoản và địa chỉ của người được hưởng), phải có đề nghị
chuyển tiền của khách hàng và quan trọng hơn là trước khi chuyển tiền phải được
lãnh đạo có đủ thẩm quyền tại Ngân hàng phê duyệt tại thời điểm chuyển.