Những Luật Mới Ảnh Hưởng Đến Hoạt Động Ngân Hàng
Ngân hàng được coi là lá phổi của nền kinh tế
nước ta, do vậy, việc thường xuyên có những thay đổi trong việc áp dụng luật
một phần làm cho hoạt động Ngân hàng đạt hiệu quả, một phần để các Ngân hàng
của chúng ta bắt kịp với xu hướng của thế giới với những loại sản phẩm dịch vụ
tối ưu nhất đến người tiêu dùng.
Trong phạm
vi bài viết ”Những luật mới ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng”, xin giới thiệu một số quy định của pháp luật
ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Ngân hàng.
NHỮNG LUẬT MỚI ẢNH HƯỞNG ĐẾN HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
1. Bộ luật dân sự năm 2015.
Bộ luật
dân sự (BLDS) năm 2015 đã được Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 20/2015/L-CTN
ngày 08/12/2015 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017 thay thế cho BLDS
năm 2005. BLDS năm 2015 là đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật khi điều
chỉnh các quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc
lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các bên khi tham gia quan hệ.
Trong điều
kiện nền kinh tế thị trường luôn biến đổi hằng ngày, hàng giờ thì việc sửa đổi,
điều chỉnh luật phù hợp với các quan hệ dân sự, các quan hệ kinh tế là điều bắt
buộc và cần thiết trong các quan hệ giao dịch, mặc dù các lĩnh vực hoạt động
trong đời sống xã hội nói chung và “đời sống” kinh tế nói riêng đều có luật
chuyên ngành điều chỉnh, tuy nhiên, BLDS luôn có vai trò và vị trí quan trọng
và là trung tâm thể hiện rõ chức năng của một đạo luật gốc. Toàn bộ nội dung
của BLDS năm 2015 được chia thành 6 phần, 27 chương và 689 Điều. Sự ra đời và
đổi mới của BLDS 2015 so với BLDS 2005 vừa tạo tính chủ động, kịp thời của các
chủ thể trong các quan hệ dân sự vừa tạo ra hành lang pháp lý vững chắc khi có
tranh chấp trong các quan hệ đó. Đặc biệt là các tranh chấp liên quan đến kinh
tế, các tranh chấp liên quan đến ngân hàng trong việc cho vay, giải ngân, cầm
cố thế chấp tài sản.
2. Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc
hội về thí điểm xử lý nợ xấu tại các Tổ chức tín dụng.
Ngày
21/6/2017, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị
quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu tại các Tổ chức tín dụng, Nghị
quyết sẽ có hiệu lực trong 05 năm từ ngày 15/8/2017. Nghị quyết đã cho phép áp
dụng nhiều chính sách mới so với pháp luật hiện hành về xử lý nợ xấu, tài sản
bảo đảm của khoản nợ xấu, góp phần tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc
xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các Tổ chức tín dụng và theo quan điểm của
chúng tôi thì Nghị quyết được coi là một trong những bước đột phá lớn trong
việc xử lý nợ xấu, tạo ra hành lang pháp lý đủ đảm bảo cho việc xử lý dứt điểm
tình trạng nợ xấu đang ngày một gia tăng theo cấp số nhân trong hoạt động của
các Tổ chức tín dụng.
Sự ra đời
của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã thổi một làn gió mới trong việc xử lý dứt
điểm nợ xấu, nợ phải thu khó đòi mà các Tổ chức tín dụng đang phải gánh chịu.
3. Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Ngày 30/12/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã
ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức
tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và có hiệu lực thi
hành từ ngày 15/3/2017.
Thông tư
39 được ban hành nhằm khắc phục các bất cập đã nảy sinh trong quá trình thực
hiện Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện các quy
định tại các luật liên quan như Bộ luật dân sự 2015, Luật các Tổ chức tín dụng
2010; đồng thời, tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho hoạt động cho vay của Tổ
chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
4. Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Ngân
hàng Nhà nước quy định phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp
tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng.
Thông tư
số 14/2017/TT-NHNN được ban hành ngày 29/9/2017 và có hiệu lực 01/01/2018,
Thông tư quy định chi tiết phương pháp tính lãi phát sinh trong hoạt động nhận
tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
với khách hàng.
Theo quy định của Thông tư, việc tính lãi suất
được quy đổi theo lãi suất năm và một năm được xác định là 365 ngày. Ngoài ra,
Thông tư mới cũng quy định tổ chức tín dụng được thỏa thuận với khách hàng xác
định thời hạn tính lãi theo một trong hai phương pháp: phương pháp bỏ ngày đầu,
tính ngày cuối của thời hạn tính lãi (theo quy định tại Điều 147 và Điều 148 Bộ
Luật Dân sự) hoặc phương pháp tính ngày đầu, bỏ ngày cuối của thời hạn tính
lãi. Trường hợp có áp dụng lãi suất điều chỉnh thì tại thời điểm điều chỉnh lãi
suất, tổ chức tín dụng phải thông báo cho khách hàng về mức lãi suất cụ thể
được điều chỉnh theo thỏa thuận.
5. Thông tư số 13/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 về sửa
đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015/TT-NHNN ngày 25/6/2015 của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng.
Thông tư
số 13/2017/TT-NHNN được ban hành ngày 29/9/2017 và có hiệu lực ngày 15/11/2017.
Tại Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn mới về việc bảo lãnh trong
bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, bảo lãnh trong bán,
cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai được hiểu là việc ngân hàng
thương mại cam kết với bên mua về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho
chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết mà chủ đầu tư không bàn
giao và không hoàn lại hoặc hoàn lại không đủ số tiền đã nhận ứng trước theo
hợp đồng mua, thuê mua nhà ở; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng
thương mại. Ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện bảo lãnh khi đáp ứng 02
điều kiện: Trong Giấy phép thành lập và hoạt động có quy định nội dung bảo lãnh
ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt. Danh sách ngân hàng thương mại đủ năng
lực thực hiện bảo lãnh sẽ được công khai trên Trang thông tin điện tử của Ngân
hàng Nhà nước. Cũng theo Thông tư, trong 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp
đồng mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng
mua, thuê mua nhà ở; trong 05 ngày làm việc, từ ngày nhận được hợp đồng mua,
thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh cho bên
mua và gửi đến địa chỉ của bên mua. Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được
xác định từ ngày phát hành cho đến ít nhất sau 30 ngày từ thời điểm giao nhận
nhà đã cam kết.
6. Thông tư số 12/2017/TT-NHNN ngày 16/10/2017 của
Ngân hàng Nhà nước quy định về giao nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài
sản quý, giấy tờ có giá.
Thông tư số 12/2017/TT-NHNN này có hiệu lực từ
ngày 16/10/2017. Thông tư đã bổ sung thêm 02 trường hợp phải giao nhận tiền mặt
theo bao, hộp, thùng nguyên niêm phong, gồm: Giao nhận tiền mặt loại mệnh giá
từ 50.000 đồng trở xuống theo lệnh điều chuyển giữa các kho tiền Trung ương với
nhau; giữa kho tiền Trung ương với Ngân hàng Nhà nước và ngược lại; Giao nhận
tiền mặt trong nội bộ kho tiền Trung ương; Về trách nhiệm của cán bộ được giao
nhiệm vụ quản lý, sử dụng chìa khóa kho tiền, két sắt, Thông tư này yêu cầu
không mang chìa khóa ra ngoài trụ sở cơ quan. Trường hợp chìa khóa két sắt của
máy ATM, chìa khóa két sắt của xe chuyên dùng chở tiền, tài sản quý, giấy tờ có
giá khi sử dụng xong phải mang về bảo quản tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Đồng
thời, Thông tư cũng quy định Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Chi cục
trưởng Chi cục Phát hành và Kho quỹ, Giám đốc Sở Giao dịch, Giám đốc Ngân hàng
Nhà nước chi nhánh, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân
hàng nước ngoài có trách nhiệm trực tiếp tham gia kiểm kê tài sản định kỳ hoặc
đột xuất.