Sai Lầm Chết Người Bạn Mắc Phải Khi Không Quan Tâm Đến Tài Sản Chung Của Vợ Và Chồng Trong Cho Vay
SAI LẦM CHẾT NGƯỜI BẠN MẮC PHẢI KHI KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ VÀ CHỒNG TRONG CHO VAY
Hàng ngày, hàng giờ những cán bộ tín dụng, những
giao dịch viên tại ngân hàng phải thực hiện rất nhiều các giao dịch tiền gửi,
giao dịch tiền vay với khách hàng. Có nhiều đối tượng khách hàng và cũng có nhiều
loại giao dịch. Bài viết này chia sẻ những kinh nghiệm thực tế phát sinh khi
ngân hàng thực hiện giao dịch tiền gửi, tiền vay liên quan đến tài sản chung của
vợ chồng.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ 1
Bà D là người đại diện theo pháp luật của
Công ty X. Do Công ty X mở rộng kinh doanh nên cần vốn huy động từ những người
trong công ty, bản thân bà D cũng đóng góp căn nhà thuộc sở hữu của mình (bà D
là người duy nhất đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu
nhà) thế chấp vào Ngân hàng M để Công ty X vay vốn. Việc vay vốn đối với Công
ty X được cán bộ tín dụng thẩm định và nhận thấy không có vấn đề gì bất ổn, tài
sản thế chấp là ngôi nhà đứng tên sở hữu là bà D có giá trị và tính thanh khoản
rất cao nếu Công ty X không trả được nợ việc xử lý tài sản thế chấp thu hồi vốn
vay sẽ thuận lợi vì bà D đã cam kết giao tài sản cho Ngân hàng M xử lý nếu Công
ty X không trả được nợ.
Bên cạnh đó, để tránh Hợp đồng thế chấp vô hiệu,
cán bộ tín dụng đã đề xuất, bà D - là Người đại diện theo pháp luật của Công ty
X ủy quyền lại cho Phó giám đốc ký Hợp đồng tín dụng còn bà D sẽ ký Hợp đồng thế
chấp để tránh xẩy ra trường hợp bên thế chấp và bên nhận thế chấp là 1 người ký
sẽ không đảm bảo tính khách quan vì người đại diện của khách hàng vay vốn đang
thực hiện giao dịch dân sự với chính mình (bên thế chấp tài sản) hoặc với người
thứ ba mà mình cũng là người đại diện.
Nhận thấy không có điều gì bất ổn, cán bộ tín
dụng đã đề xuất cho vay và được người đứng đầu Ngân hàng M phê duyệt đồng ý.
Công ty X sau khi vay vốn đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, đến tháng thứ
6, Công ty X bỗng nhiên không trả nợ và lý do đưa ra là do đang gặp khó khăn về
tài chính không thể trả nợ được và đề nghị Ngân hàng M cơ cấu lại khoản nợ để
Công ty X có thời gian trả nợ.
Ngân hàng M sau khi tiếp nhận đề nghị của
khách hàng đã đồng ý cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho Công ty X. Nhưng đã 4 tháng
sau thời hạn cơ cấu nợ, Công ty X vẫn không trả nợ mặc dù Ngân hàng M đã liên tục
gặp mặt làm việc nhưng kết quả vẫn không có gì thay đổi. Nhận thấy khoản vay có
nguy cơ mất vốn, mọi việc thu nợ bây giờ dồn hết vào tài sản thế chấp, Ngân
hàng M đã tiến hành và hoàn thiện các thủ tục để phát mại tài sản thế chấp của
bà D. Khi Ngân hàng M chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất và sở hữu nhà đứng tên
bà D thì ông K đến yêu cầu Ngân hàng M không được xử lý tài sản thế chấp là
ngôi nhà đứng tên chủ sở hữu là bà D với lý do tài sản này là tài sản chung của
vợ chồng. Khi bà D thực hiện thủ tục thế chấp đã không hỏi ý kiến của ông. Ngân
hàng M không đồng ý và vẫn tiếp tục các thủ tục để bán đấu giá theo đúng quy định.
Không bằng lòng với cách xử lý của Ngân hàng M, ông K đã tiến hành khởi kiện
Ngân hàng M để đòi lại tài sản.
Tại bản án của Tòa án đã tuyên Hợp đồng thế
chấp giữa bà D và Ngân hàng M vô hiệu một phần vì tài sản thế chấp là quyền sử
dụng đất và quyền sở hữu nhà đứng tên bà D là tài sản chung của vợ chồng ông K
và bà D.
Việc Ngân hàng nhận thế chấp mà chưa có sự đồng
ý của ông K là không đúng theo quy định mặc dù ông K và bà D đã ly hôn nhưng
quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà đứng tên bà D đã được ông K và bà D cùng
thống nhất vẫn là tài sản sở hữu chung để sau này cho con chung của hai ông bà.
Tài sản được thỏa thuận không được bán, không được thế chấp hay làm bất cứ những
việc gì liên quan mà không được sự đồng ý của cả hai bên ông K và bà D. Việc thỏa
thuận cũng đã được Tòa án nơi thụ lý việc ly hôn giữa ông K và bà D xác nhận.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ 2
Vào ngày trung tuần tháng 10/2016, ông T cùng
vợ đến Ngân hàng Z để gửi tiết kiệm 10 tỷ đồng, giao dịch viên sau khi trao đổi
với ông T đã mở tài khoản và phát hành thẻ tiết kiệm đứng tên ông T với thời hạn
gửi là 12 tháng và không được rút trước hạn. Sau khi hoàn thiện mọi thủ tục,
ông T ra về cùng với thẻ tiết kiệm mang tên mình. Khi đến thời hạn rút tiền tiết
kiệm ông T đến Ngân hàng Z thực hiện các thủ tục cần thiết để lấy toàn bộ tiền
gốc và lãi.
Tuy nhiên, khi giao dịch viên tại Ngân hàng Z
đang thực hiện tất toán thì bà H xuất hiện với đề nghị Ngân hàng Z không được
cho ông T rút tiền (gốc và lãi) trên thẻ tiết kiệm đứng tên ông T. Bà H cho rằng
đây là số tiền thuộc sở hữu chung của bà và ông T, hai ông bà đang làm thủ tục
ly hôn. Nếu Ngân hàng Z cho ông T rút tiền thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến
quyền và lợi ích hợp pháp của bà. Trong khi đó, ông T khẳng định số tiền đứng
tên trên thẻ tiết kiệm là tiền riêng của ông và không liên quan đến tài sản
chung của vợ - chồng. Ông cần phải tất toán thẻ tiết kiệm trong ngày để trả tiền
cho đối tác làm ăn, nếu không trả thì sẽ bị phạt do chậm thanh toán. Nếu Ngân
hàng Z không cho ông T rút tiền để ông bị đối tác thì Ngân hàng Z sẽ phải chịu số tiền phạt đó.
Đứng trước tình huống này, giao dịch viên
Ngân hàng Z sẽ phải làm gì và quy trình thực hiện như thế nào để không bị vướng
trách nhiệm pháp lý khi thực hiện?
PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ TÀI SẢN CỦA VỢ CHỒNG
Theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm
2014 thì: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập
do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài
sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng
được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa
thuận là tài sản chung; quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn
là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng,
được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng; tài sản
chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của
gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng; trong trường hợp không có căn
cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi
bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung…”.
Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa
thuận bằng văn bản của vợ chồng nếu tài sản là bất động sản; động sản mà theo
quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra
thu nhập chủ yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc
một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện
giao dịch liên quan đến tài sản chung đó nhưng thỏa thuận này phải lập thành
văn bản.
Về nguyên tắc, khi vợ chồng ly hôn, tài sản
chung sẽ được hai bên vợ chồng thỏa thuận phân chia, nếu không phân chia được
thì sẽ nhờ Tòa án giải quyết và hầu hết tài sản chung sẽ được chia đôi theo quy
định nhưng sẽ được tính dựa trên các nguyên tắc như hoàn cảnh của gia đình của
vợ, chồng; công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát
triển khối tài sản chung.
Đối với tài sản riêng của vợ chồng mà mỗi người
có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời
kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn
nhân và gia đình; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản
khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng, tài sản
được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng.
Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân. Vợ, chồng
có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng nếu trường hợp vợ, chồng
có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất
của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ chồng.
Chúng ta quay trở lại với tình huống thứ 1,
câu hỏi đặt ra, lỗi bắt đầu từ đâu? Cán bộ tín dụng khi thẩm định hồ sơ vay vốn,
hồ sơ pháp lý đã bỏ sót thỏa thuận giữa ông K và bà D liên quan đến tài sản thế
chấp là quyền sử dụng đất và quyền sở hữu căn nhà đứng tên bà D và trách nhiệm
pháp lý của cán bộ tín dụng cũng như trách nhiệm pháp lý của những người phê
duyệt khoản vay tại Ngân hàng M sẽ được xem xét vì khoản vay đã bị thiệt hại,
Ngân hàng M cho vay nhưng không thu hồi được vốn.
Ở tình huống thực tế thứ 2, nếu là giao dịch
viên bạn sẽ xử lý như thế nào? Có cho ông T rút tiền không? Nếu không cho ông T
rút tiền thì khoản tiền bị đối tác phạt của ông T có thể Ngân hàng Z phải chịu
trách nhiệm. Nếu cho ông T rút tiền thì bà H kiện Ngân hàng Z vì cho rằng đây
là tài sản chung của vợ chồng.
Thực tế khi thực hiện xử lý tình huống này,
giao dịch viên cần chú ý, Luật Hôn nhân gia đình quy định rất rõ đối với người
đứng tên mở tài khoản. Dù là tiền trong tài khoản có là tài sản chung, nhưng do
chồng hoặc vợ đứng tên thì người nào đứng tên sẽ có toàn quyền giao dịch đối với
tài khoản đó. Việc ông T đứng tên trên thẻ tiết kiệm, ông T hoàn toàn có quyền
rút gốc, lãi đối với sổ tiết kiệm mang tên ông mà không liên quan đến việc yêu
cầu của bà H.
Nếu trường hợp bà H yêu cầu Ngân hàng Z cung
cấp mọi thông tin liên quan đến giao dịch gửi, rút tiền và thông tin tài khoản
của ông T để bà T làm bằng chứng sau này yêu cầu Tòa án chia tài sản vợ chồng
trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn vì cho rằng đây là số tiền thuộc sở hữu chung
thì giao dịch viên Ngân hàng Z tuyệt đối không được thực hiện theo yêu cầu của
bà H. Theo quy định về cung cấp thông tin do Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước
quy định đối với tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng thì chỉ khách hàng (người
đứng tên trên tài khoản) hoặc người được khách hàng ủy quyền, hoặc việc cung cấp
phục vụ công việc nội bộ của ngân hàng hoặc cung cấp theo yêu cầu của Cơ quan
Nhà nước có thẩm quyền phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành
án theo quy định của pháp luật mới có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên
quan đến tiền gửi, tài sản gửi của khách hàng.
Khi khách hàng dùng tài sản thuộc sở hữu vợ
chồng thế chấp cho khoản vay
tại ngân hàng, cần yêu cầu cả hai vợ chồng
cùng ký chấp thuận
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Thứ nhất: Khi
khách hàng dùng tài sản thuộc sở hữu vợ chồng thế chấp cho khoản vay tại ngân
hàng, cán bộ tín dụng cần yêu cầu cả hai vợ chồng cùng ký chấp thuận. Nếu chồng
ký Hợp đồng thế chấp thì người vợ phải có ủy quyền cho chồng, đồng ý với việc
thế chấp tài sản thuộc sở hữu chung cho ngân hàng và ngược lại.
Thứ hai: Khi
tiến hành thẩm định hồ sơ tín dụng, cán bộ tín dụng chú ý đối với tài sản thuộc
sở hữu chung vợ chồng. Cán bộ tín dụng cần phải xác định tình trạng hôn nhân của
người thế chấp. Nếu đã ly hôn, phải yêu cầu khách hàng cung cấp biên bản thỏa
thuận chia tài sản vợ chồng. Nếu chưa ly hôn, cần xem xét tài sản chung, tài sản
riêng của khách hàng khi khách hàng ký Hợp đồng thế chấp, tránh việc khách hàng
dùng tài sản chung thế chấp nhưng lại chưa có sự chấp thuận từ người đồng chủ sở
hữu tài sản.
Thứ ba: Khi
khách hàng gửi tiết kiệm đứng tên trên tài khoản thì khách hàng có toàn quyền
giao dịch với tài khoản đó mà không phụ thuộc vào ý chí của vợ hoặc chồng mặc
dù tiền khách hàng gửi là tài sản chung của vợ chồng. Giao dịch viên hãy nhớ Luật
Hôn nhân và gia đình cho phép.
Thứ tư: Giao
dịch viên cần chú ý việc yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và
tài sản gửi của khách hàng. Không phải ai yêu cầu cũng cung cấp mà việc cung cấp
phải tuân thủ quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Chỉ khách hàng (người
đứng tên trên tài khoản) hoặc người được khách hàng ủy quyền, việc cung cấp phục
vụ công việc nội bộ của ngân hàng hoặc cung cấp theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền phục vụ cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án theo
quy định của pháp luật mới có quyền yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến tiền
gửi, tài sản gửi của khách hàng.
Nguồn: Agribank