“Chế Biến” Hồ Sơ Vay Vốn - Một Tình Huống Minh Họa

“Chế Biến” Hồ Sơ Vay Vốn - Một Tình Huống Minh Họa


“CHẾ BIẾN” HỒ SƠ VAY VỐN - MỘT TÌNH HUỐNG MINH HỌA


“Chế Biến” Hồ Sơ Vay Vốn - Một Tình Huống Minh Họa

Thực tế là nhiều DNNVV có hai hệ thống sổ sách kế toán: số liệu nộp cho cơ quan thuế khác với số liệu thực chủ doanh nghiệp theo dõi quản lý (còn gọi là báo cáo nội bộ) để trốn thuế! Từ thực tế này, một số ngân hàng tuy không nói ra nhưng ngầm định và công nhận báo cáo nội bộ mới là phản ảnh đúng tình hình doanh nghiệp. Mọi chuyện từ đây, vì chế biến ra một báo cáo nội bộ đẹp, có lợi nhuận, lại được ngân hàng cho là “thực” hơn một báo cáo thuế đang lỗ!

Ngân hàng thẩm định về tài chính và đa phần thông qua khâu này khi: (i) doanh nghiệp không có lịch sử nợ xấu trên Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC); (ii): có lợi nhuận ở hiện tại và năm kế hoạch; (iii) doanh thu hàng năm khoảng trên hai lần tổng dư nợ, vì thông thường thời hạn khế ước nhận nợ khoảng sáu tháng, doanh thu như thế tiền về đủ để trả nợ đến hạn; (iv) không mất cân đối tài chính - tài sản ngắn hạn cao hơn nợ ngắn hạn để tránh rủi ro mất khả năng thanh toán. Việc “vẽ” số liệu đáp ứng các tiêu chí trên không khó.

Giả sử doanh nghiệp đang nợ 10 tỉ đồng sắp đến hạn nhưng không có tiền trả, việc vay tiếp ở ngân hàng cũ có vẻ khó do họ có thể hiểu nội tình. Phương án tốt là qua ngân hàng khác vay 12 tỉ đồng để trả gốc và cả lãi ở ngân hàng cũ, còn dư một khoản để chi tiêu. Do áp lực tăng trưởng tín dụng, việc chuyển ngân hàng khá dễ dàng nếu doanh nghiệp có BCTC tốt, có tài sản bảo đảm. Còn vì sao chuyển ngân hàng? Do tôi thấy dịch vụ ngân hàng anh tốt hơn, hoặc tôi thích cung cách phục vụ của cán bộ ngân hàng anh. Hoan nghênh!

Doanh nghiệp đang dư nợ 10 tỉ đồng, với lãi suất hiện tại khoảng 10%/năm nên chi phí lãi vay là một tỉ đồng/năm. Chi phí hoạt động cũng tương đương số này, thêm chi phí khác 500 triệu đồng cho có vẻ thực, tổng chi phí hoạt động là 2,5 tỉ đồng (do ngân hàng sẽ biết được dư nợ qua CIC, nên chi phí lãi vay không thể thấp hoặc cao đến mức vô lý).

Như ở trên đã đề cập, doanh thu hàng năm sẽ được ghi nhận 30 tỉ đồng để tương ứng với dư nợ 10 tỉ đồng. Số liệu giá vốn hàng bán được cân đối sao cho có lợi nhuận gộp cao hơn 2,5 tỉ đồng là đã có lãi, ở đây lợi nhuận gộp khoảng 4 tỉ đồng là đẹp. Khi đó lợi nhuận trước thuế 1,5 tỉ đồng, khoảng 5% doanh thu - con số không thấp không cao, lợi nhuận sau thuế 1,17 tỉ đồng. Vậy là xong báo cáo kết quả kinh doanh rất logic, có lợi nhuận, có dòng tiền đủ trả nợ.

Giải pháp căn cơ để xóa tan sự nghi ngờ của ngân hàng thực ra cũng khá đơn giản: thanh toán không dùng tiền mặt.

Đến bảng cân đối kế toán, số liệu nợ 10 tỉ đồng sẽ nằm ở phần nợ ngắn hạn - phù hợp số liệu CIC; số liệu lợi nhuận sau thuế 1,17 tỉ đồng sẽ nằm ở Lợi nhuận chưa phân phối trong Vốn chủ sở hữu. “Sáng tạo” vốn góp 5 tỉ đồng để hệ số nợ khoảng hai lần cho có vẻ tôi không quá yếu cũng không quá mạnh về vốn, nếu ngân hàng yêu cầu chứng minh vốn góp thì nói đã đầu tư vào tài sản rồi. Khi đó tổng nguồn vốn là 16,17 tỉ đồng. Tổng tài sản cũng là số này, và phải phân bổ sao cho tài sản ngắn hạn cao hơn nợ vay 10 tỉ đồng để không mất cân đối tài chính, ví dụ 12 tỉ đồng, và phân bổ cho tiền mặt, hàng tồn kho, phải thu... còn lại là tài sản dài hạn 4,17 tỉ đồng. Thêm số lẻ đến hàng đơn vị vào tất cả các số trên để giống như thực, cân chỉnh cộng trừ cho khớp, là xong phần BCTC, vì ít ngân hàng nào yêu cầu Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ở DNNVV. Để ý kỹ, chỉ có số liệu nợ theo CIC là thực, còn lại tất cả đều ảo!

Về phương án kinh doanh để vay vốn, cứ ước doanh thu tăng 10% là ngân hàng đồng ý vì không cần bán nhiều hơn, lạm phát quanh quẩn số này. Các tỷ lệ cứ theo đó nhân lên, kế hoạch có lợi nhuận, số tiền vay phù hợp doanh thu.

Về tài sản bảo đảm, nếu bất động sản đang vay được 10 tỉ đồng thì định giá năm trước khoảng 14 tỉ đồng, có thể được vay 12 tỉ đồng do giá đất thường tăng hàng năm nên định giá lại sẽ tăng, hoặc đề nghị ngân hàng ưu đãi một chút về tỷ lệ vay để tôi chuyển qua ngân hàng anh. Thông thường sẽ được duyệt do áp lực chỉ tiêu dư nợ.

Nếu ngân hàng chỉ ngồi nhà thẩm định có thể bị qua mặt với báo cáo nội bộ kiểu này không có gì đột biến để nghi ngờ, cũng không có gì xấu. Ngân hàng thẩm định gì? Yêu cầu tờ khai thuế để xem doanh thu có thực không, doanh nghiệp nói khai thuế thấp hơn thực tế; yêu cầu hợp đồng kinh tế, hóa đơn chứng từ đầu vào đầu ra, doanh nghiệp lại nói mua bán tiền mặt không ký đủ hợp đồng, không xuất đủ hóa đơn. Ngân hàng có đi thẩm định giá trị hàng tồn kho, doanh nghiệp lại bảo số liệu trên báo cáo là thời điểm cuối năm, hiện nay tôi đã bán hàng đi rồi; thẩm định giá trị tài sản cố định phù hợp hay không cũng không dễ do ngân hàng không đủ chuyên môn để biết giá trị thực của máy móc thiết bị... Nói chung là khó cho ngân hàng!

Cán bộ ngân hàng phải đủ kinh nghiệm để thẩm định các yếu tố phi tài chính, chẳng hạn ngành nghề doanh nghiệp chỉ mua bán tiền mặt liệu có hợp lý khi khách hàng toàn ở xa hoặc phần lớn là công ty? Quy mô doanh nghiệp liệu có đạt doanh thu như trên? Lợi nhuận gộp có phù hợp ngành nghề? Nhà xưởng máy móc kho bãi có dấu hiệu đang hoạt động tốt hay bám bụi, thái độ làm việc của nhân viên, thẩm định bất ngờ để tránh sắp đặt...

GIẢI PHÁP: THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Chuyện điều chỉnh số liệu kế toán trong ví dụ trên chỉ là sơ đẳng trong vô số thủ thuật kế toán nhằm làm đẹp BCTC. Các doanh nghiệp lớn còn tinh vi hơn: chuyển giá giảm chi phí để hạch toán lợi nhuận ảo, phân bổ chậm lại chi phí để có lời giả nhưng lỗ thật, hoạt động kinh doanh chính lỗ nhưng tổng thể có lời do doanh thu tài chính tăng đột biến nhờ tay trái mua giá cao khoản đầu tư của tay phải, thổi phồng tài sản và vốn ảo lên nhiều lần qua góp vốn chéo, đầu tư chéo, giấu tình trạng mất khả năng thanh toán qua nâng khống giá trị đầu tư tài chính nội bộ và phải thu nội bộ... Các thủ thuật này cũng “qua mặt” được kiểm toán, đến nỗi ngân hàng chỉ tạm tin khi BCTC được kiểm toán bởi Big 4 (bốn công ty kiểm toán được cho là lớn, uy tín). Tạm là vì trước vụ Enron, Arthur Andersen cũng là một trong Big 5.

Vì vậy doanh nghiệp nên thông cảm tại sao ngân hàng lại cần tài sản bảo đảm. Trong bối cảnh nhìn đâu cũng thấy thiên hạ “xuất chiêu”, ngân hàng phải có cái mà bấu víu khi lỡ thẩm định sai, thẩm định không tới. Nhiều cán bộ ngân hàng đã phải ngồi tù khi khách hàng không trả nợ mà tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ (chủ doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có làm giả sổ sách chứng từ).
Tất nhiên tỷ lệ doanh nghiệp cố ý lừa ngân hàng rất thấp, cẩn thận dè chừng với tất cả là không công bằng cho các doanh nghiệp đàng hoàng. Nhưng nếu hỏi ngược lại: chỉ cần một vụ bị lừa thôi thì ai đi đòi công bằng cho cán bộ ngân hàng? Nên cứ phải cẩn thận cho an toàn!

Giải pháp căn cơ để xóa tan sự nghi ngờ của ngân hàng thực ra cũng khá đơn giản: thanh toán không dùng tiền mặt.

Nếu tất cả doanh nghiệp đều thanh toán qua ngân hàng thì dù BCTC đẹp cỡ nào, doanh thu hoành tráng thế nào, việc góp vốn ảo, đầu tư tài chính, phải thu nội bộ... chỉ cần đề nghị cung cấp sao kê ngân hàng truy tận gốc là lộ ra ngay, vì tiền có qua ngân hàng mới là tiền thực.

Ngược lại, cây ngay không sợ chết đứng. Các DNNVV hãy tập thói quen giao dịch qua ngân hàng, kê khai nộp thuế đầy đủ. Nếu phần lớn doanh thu, chi phí đều được thanh toán qua ngân hàng, ngành kinh doanh triển vọng, thì dù không cần tài sản bảo đảm, ngân hàng cũng đủ tầm để tin tưởng và đồng hành với đối tác nghiêm túc, trung thực, trách nhiệm, minh bạch.
Nguồn: thesaigontimes

Archive

Contact Form

Send