Xem Xét Những Gì Trong Hồ Sơ Pháp Lý Của Khách Hàng Doanh Nghiệp?

Xem Xét Những Gì Trong Hồ Sơ Pháp Lý Của Khách Hàng Doanh Nghiệp?

Hồ sơ pháp lý là yếu tố cực kỳ quan trọng khi ngân hàng quyết định cho vay khách hàng. Đây là căn cứ đầu tiên có thể đánh giá được mức độ tin cậy của ngân hàng đối với khách hàng vì mọi rủi ro đều có thể xay ra khi ngân hàng quyết định cho vay. Đôi khi rủi ro bắt nguồn từ việc nhận thức chưa đầy đủ các giấy tờ trong hồ sơ pháp lý của cán bộ tín dụng, đôi khi hồ sơ bị thiếu giấy tờ nhưng lại không biết để kịp thời bổ sung dẫn đến thiệt hại xảy ra. Khi thiệt hại xảy ra, cán bộ tín dụng cùng với những người có liên quan đến khoản vay tại ngân hàng có thể vướng vào vòng lao lý mà tất cả họ đều không biết sai phạm xuất phát từ đâu, từ thời điểm nào. Vậy:

XEM XÉT NHỮNG GÌ TRONG HỒ SƠ PHÁP LÝ CỦA KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP?

Xem Xét Những Gì Trong Hồ Sơ Pháp Lý Của Khách Hàng Doanh Nghiệp

Hồ sơ pháp lý trong bất kỳ khoản vay nào của khách hàng khi đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng cũng gồm những giấy tờ pháp lý như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ; quyết định bổ nhiệm người đại diện theo pháp luật; danh sách Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên; quyết định vay vốn; báo cáo tài chính; báo cáo thuế… Câu hỏi đặt ra là cán bộ tín dụng cần xem xét những gì trong rất nhiều giấy tờ pháp lý nói trên?

THỨ NHẤT: xem xét mô hình hoạt động của doanh nghiệp thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014, các doanh nghiệp hoạt động theo các mô hình khác nhau và mỗi mô hình đều có những quy định riêng đòi hỏi cán bộ tín dụng phải tìm hiểu, phải xem xét để khi thẩm định đảm bảo tuân thủ quy định.

- Công ty cổ phần: là mô hình công ty có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau với số lượng cổ đông ít nhất là 3 người trở lên và không hạn chế số lượng cổ đông tối đa. Đối với công ty cổ phần, cán bộ tín dụng cần lưu ý và quan tâm khi thẩm định hồ sơ pháp lý là việc xem xét quy định tại điều lệ của công ty. Trong đó, xem xét kỹ quy định về đại hội đồng cổ đông vì đại hội đồng cổ đông được coi là cơ quan quyền lực cao nhất của công ty cổ phần, có quyền quyết định những định hướng phát triển của công ty. Do vậy, nếu công ty cổ phần là khách hàng đang muốn đặt quan hệ tín dụng, nhất thiết phải xem việc vay vốn đã được đại hội đồng công ty cổ phần thông qua chưa, đã có nghị quyết, quyết định của đại hội đồng cổ đông giao cho người có thẩm quyền thay mặt công ty tiếp xúc, ký hợp đồng (nếu có) và đề xuất vay vốn từ ngân hàng chưa.
Một điều quan trọng nữa là khi công ty cổ phần vay vốn, cán bộ tín dụng cần xem xét tình trạng vốn góp của các cổ đông công ty để xác định chính xác số vốn của các cổ đông, vì khi công ty vay nhưng do thua lỗ trong kinh doanh hay vì lý do nào đó mà công ty không có khả năng trả nợ thì nếu xác định được chính xác số vốn góp của các cổ đông, ngân hàng hoàn toàn có thể yêu cầu các cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ về tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng không thể bỏ qua quy mô, quyền, nghĩa vụ của Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên của công ty vì Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công ty mà những quyền, nghĩa vụ đó không thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông.

- Công ty TNHH một thành viên: là doanh nghiệp do một tổ chức hay một cá nhân làm chủ sở hữu, chủ sở hữu chịu trách nhiệm về các khoản nợ và tài sản của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Đối với mô hình công ty này, cán bộ tín dụng khi thẩm định lưu ý về trách nhiệm cũng như quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu công ty.
Nếu công ty do một tổ chức sở hữu thì cần kiểm tra tổ chức sở hữu công ty gồm những thành viên nào, số vốn góp của các thành viên trong tổ chức đó, các thỏa thuận của các thành viên đó như thế nào và quan trọng là các thành viên thỏa thuận và quyết định ra sao khi công ty tiến hành vay vốn, đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Riêng đối với mô hình công ty do một cá nhân làm chủ sở hữu thì điều cần quan tâm là số vốn góp của cá nhân chủ sở hữu, cán bộ tín dụng cần phân tích và tách bạch vốn của chủ sở hữu trong trường hợp này với vốn và tài sản riêng của cá nhân chủ sở hữu. Lưu ý, đối với trường hợp cá nhân là chủ sở hữu công ty không may bị chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ là chủ sở hữu hoặc là thành viên của công ty

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên: là doanh nghiệp trong đó các thành viên có thể là tổ chức hoặc cá nhân với số lượng thành viên không vượt quá 50. Các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi vốn góp. Đối với mô hình công ty này, cán bộ tín dụng lưu ý Hội đồng thành viên là cơ quan có quyết định cao nhất, do vậy, việc công ty muốn vay vốn, ngân hàng cần xem xét việc vay vốn đã được Hội đồng thành viên công ty thông qua, đã có nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về việc ủy quyền hoặc giao cho người có thẩm quyền (có thể là Tổng giám đốc, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật… tùy theo điều lệ công ty quy định) tiếp xúc và ký các hợp đồng liên quan đến khoản vay của công ty. Liên quan đến việc ủy quyền, ngân hàng cần chú ý đến thời hạn, nội dung và tư cách người ủy quyền cũng như người được ủy quyền

- Công ty hợp danh: là doanh nghiệp có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty còn có thành viên góp vốn. Đối với mô hình công ty này, cán bộ tín dụng cần xem xét và đánh giá được đâu là thành viên hợp danh, đâu là thành viên góp vốn vì trong trường hợp công ty vay vốn nhưng không trả nợ thì ngân hàng cần lưu ý: đối với thành viên hợp danh thì họ phải có nghĩa vụ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; còn thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về khoản nợ trong phạm vi vốn góp. Do vậy, ngân hàng cần xác định chính xác số vốn góp của các thành viên góp vốn, các tài sản khác của thành viên hợp danh để xử lý thu hồi nợ khi công ty không có khả năng trả nợ, ngân hàng xác định được nguồn để thu hồi ngoài những tài sản bảo đảm đã được tiến hành nhưng không đủ để thu hồi vốn đã cho vay


- Doanh nghiệp tư nhân: là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tư nhân vay vốn, cán bộ tín dụng phải xem xét và đánh giá toàn bộ tài sản của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra xem người chủ doanh nghiệp có là chủ của hộ kinh doanh hay thành viên công ty hợp danh, có góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần góp vốn trong công ty hợp danh, công ty TNHH hoặc công ty cổ phần hay không. Nếu phát hiện thấy có, cán bộ tín dụng phải đề xuất từ chối khoản vay ngay vì chủ doanh nghiệp tư nhân đã vi phạm quy định của Luật doanh nghiệp. 

THỨ HAI: xem xét điều lệ tổ chức và hoạt động. Tùy từng mô hình hoạt động được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà doanh nghiệp có điều lệ khác nhau. Nhưng về cơ bản, điều lệ của mỗi doanh nghiệp đều thể hiện chức năng, nhiệm vụ cũng như quyền hạn, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp đó. Thực tế đã xảy ra khi điều lệ không cho phép người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được ký hợp đồng tín dụng vay vốn từ ngân hàng vượt quá 15% vốn tự có của doanh nghiệp, nhưng do không xem xét cẩn thận cán bộ tín dụng đã đề xuất cho vay khi thẩm quyền ký hợp đồng đối với món vay vượt quá 15% vốn tự có là do Hội đồng thành viên của doanh nghiệp quyết định dẫn đến khi tranh chấp, Tòa án đã tuyên hợp đồng vô hiệu vì người ký không đủ thẩm quyền.

THỨ BA: xem xét thẩm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Về nguyên tắc, thẩm quyền và cơ cấu quyền lực của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được thể hiện trong điều lệ. Tuy nhiên, cán bộ tín dụng khi xem xét cần chú ý không phải cái gì người đại diện theo pháp luật cũng có quyền quyết định, cũng có quyền nhân danh doanh nghiệp. Có những mô hình doanh nghiệp khi người đại diện theo pháp luật nhân danh doanh nghiệp phải thông qua Hội đồng thành viên hay đại hồi đồng cổ đông đối với công ty cổ phần.

Ngoài những giấy tờ pháp lý nói trên, hồ sơ pháp lý trong bộ hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp còn có báo cáo tài chính, báo cáo thuế, các quyết định bổ nhiệm, các biên bản họp… và tất cả các giấy tờ pháp lý đó, cán bộ tín dụng hãy kiểm tra thật kỹ, vừa xem trên giấy tờ mà doanh nghiệp cung cấp, vừa xem xét từ các nguồn thông tin khác như: website của Tổng cục Thuế, website của Phòng đăng ký doanh nghiệp… để kiểm tra thông tin về doanh nghiệp. Các khoản vay ngoài việc có thể tiềm ẩn rủi ro tín dụng thì còn có thể tiềm ẩn rủi ro trong hồ sơ pháp lý, Những rủi ro pháp lý đó có thể dẫn đến trách nhiệm pháp lý không những của chính cán bộ tín dụng mà còn là trách nhiệm của những người quyết định đến khoản vay tại ngân hàng.

Archive

Contact Form

Send