Cơ Chế FTP Tại Ngân Hàng

Cơ Chế FTP Tại Ngân Hàng

FTP là gì? FTP hoạt động ra sao trong ngân hàng? Bài viết này sẽ cho các bạn có cái nhìn tổng quan cũng như hiểu hơn về nó. Trong khuôn khổ bài viết, mình chỉ tập trung khái quát cơ chế vận hành mà không đi sâu vào phần kỹ thuật tính toán.

 CƠ CHẾ FTP TẠI NGÂN HÀNG

Cơ Chế FTP Tại Ngân Hàng
What: FTP (Fund Transfer Pricing) Là Gì?
FTP (Fund Transfer Pricing) – Giá chuyển vốn nội bộ là một thuật ngữ chắc hẳn không còn xa lạ đối với những ai đang công tác tại các ngân hàng, tuy nhiên, với các bạn là sinh viên thì nó khá mới mẻ. Việc nắm, hiểu và biết nguyên tắc vận hành cơ chế này sẽ giúp ích rất nhiều không chỉ cho sinh viên mà còn đối với cán bộ nhân viên hiện đang công tác tại ngân hàng. Trong khuôn khổ bài viết, mình chỉ tập trung khái quát cơ chế vận hành mà không đi sâu vào phần kỹ thuật tính toán.
How: FTP (Fund Transfer Pricing) hoạt động như thế nào?
Để hiểu về cơ chế này, chúng ta cùng xem xét một số tình huống được đặt ra như sau:
Trong đợt tổng kết cuối năm, một ngân hàng X (bao gồm n chi nhánh (CN) X1, X2, X3…) đang xem xét chia thưởng cho những ĐVKD có lợi nhuận cao. Tuy nhiên để cho đơn giản thì ta chỉ xét hoạt động kinh doanh ngân hàng X này chỉ có huy động và cho vay thôi nhé! Giả định chi nhánh X1 cho vay rất nhiều tuy nhiên huy động lại rất ít, ngược lại chi nhánh X2 lại mạnh về huy động hơn cho vay. Hiển nhiên, một cách thông thường có thể thấy X1 sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho X vì các khoản thu lãi từ cho vay là rất lớn trong khi chi phí huy động không đáng kể, ngược lại sự đóng góp X2 cho X có thể là không có bởi lợi nhuận có thể bị âm (chi phí huy động quá nhiều). Như vậy, sau tổng kết, Ngân hàng X đã khen thưởng cho đơn vị X1 mà không khen thưởng cho đơn vị X2. Phải chăng ra sự công bằng trong ghi nhận hiệu quả hoạt động của các ĐVKD là chưa có???
Chuyển sang tình huống thứ 2: Khảo sát cho thấy 70% lợi nhuận của ngân hàng là thu thuần từ lãi (hoạt động cho vay), và để duy trì hoạt động này thì bắt buộc ngân hàng phải huy động thêm vốn bởi nguồn vốn tự có của ngân hàng là chưa đủ. Quay lại tình huống 1, CN X1 huy động rất ít, vậy nguồn vốn nào để X1 thực hiện cho vay nhiều như vậy? Hẳn là lấy từ HO? Nhưng nếu giả định vốn từ HO đã phân bổ hết cho các đơn vị khác, vậy X1 sử dụng nguồn nào? Chắc chắn sẽ là nguồn từ X2. Vậy cần phải có cơ chế ghi nhận việc chuyển vốn từ X2 sang X1 để X1 thực hiện cho vay.
Vì mục tiêu lợi nhuận, ĐVKD phải tối ưu hóa chi phí đầu vào và tối đa hóa lợi nhuận từ đầu ra, nghĩa là huy động vốn với chi phí thấp, có thể thực hiện được bằng cách huy động chủ yếu kỳ hạn ngắn (lãi suất huy động ngắn hạn thường có mức lãi suất thấp hơn các khoản dài hạn) và cho vay ở các kỳ hạn dài hạn. Nếu hàng loạt các ĐVKD đều thực hiện điều này, chắc chắn nguồn chủ yếu của ngân hàng X chỉ toàn nguồn vốn ngắn hạn, cho vay lại dài hạn. Khi có quá nhiều khoản huy động đến hạn thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản (rủi ro thanh khoản); đồng thời chênh lệch các kỳ hạn là khá lớn, ngân hàng hứng chịu rủi ro lãi suất là khá cao. Một ngân hàng bị rủi ro sẽ dẫn đến ảnh hưởng hệ thống ngân hàng, tác động vĩ mô đến nền kinh tế là rất lớn. Do đó đòi hỏi phải có cơ chế để theo dõi và giám sát sự mất cân đối này.
Đó là những lý do chính mà cơ chế FTP được đưa vào vận hành trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Vậy FTP là gì? Nó góp phần giải quyết các tình huống trên như thế nào?
FTP là lãi suất “mua” vốn và “bán” vốn giữa Hội sở (HO_Head Office) với các ĐVKD. Cơ chế hoạt động dựa trên nguyên tắc toàn bộ tài sản nợ (điển hình Huy động vốn) được bán về HO để hưởng lãi, toàn bộ tài sản có (điển hình khoản cho vay) được mua từ HO, ĐVKD phải trả lãi với các tài sản này. Theo đó, các CN/PGD trở thành các ĐVKD, thực hiện mua và bán vốn với HO. Thu nhập và chi phí của từng CN/PGD được xác định thông qua chênh lệch mua bán vốn với trụ sở chính, tập trung rủi ro thanh khoản và rủi ro lãi suất về HO.
Sơ đồ cơ chế FTP đơn giản như sau:
Cơ Chế FTP Tại Ngân Hàng
 Một ví dụ đơn giản: CN X2 huy động 100 đồng với LS 5%, khi thực hiện bán vốn về HO với lãi suất 7% thì sẽ hưởng chênh lệch LS 2%. Lúc này lợi nhuận X2 là 2 đồng. Tương tự cho khoản vay 100 đồng với lãi suất 11%, đơn vị cho vay X1 phải mua vốn từ HO với lãi suất 8%, hưởng chênh lệch LS 3%. Lúc này lợi nhuận X1 là 3 đồng.
Như vậy cơ chế này đã đánh giá khách quan hơn hiệu quả hoạt động của ĐVKD vì đã ghi nhận được đóng góp của X2 mang về lợi nhuận cho X là 2 đồng. Đồng thời cơ chế này cũng cho phép kiểm soát cơ cấu danh mục nguồn và sử dụng nguồn của ngân hàng bởi với bất kỳ một giao dịch huy động hay cho vay nào cũng đều thực hiện mua bán vốn về HO, do đó toàn bộ rủi ro sẽ tập trung về HO, HO sẽ dể dàng kiểm soát và cân đối nguồn & sử dụng nguồn. Trường hợp bị mất cân đối, HO có thể điều chỉnh lại lãi suất (bao gồm lãi suất huy động, cho vay, FTP mua bán vốn) ở các kỳ hạn để khuyến khích các đơn vị cân đối điều chỉnh lại các hạng mục huy động cho vay nhằm mang lại mức lợi nhuận cao nhất.
Như vậy, một hệ thống FTP được xây dựng tốt sẽ giúp ngân hàng xác định được các rủi ro, kiểm soát và phân bổ nguồn vốn kịp thời, nâng cao hiểu quả sử dụng vốn, đưa ra những chính sách lãi suất FTP phù hợp thúc đẩy cho ĐVKD hoạt động hiệu quả, đồng thời ghi nhận khách quan và công bằng về sự đóng góp của các ĐVKD.

Archive

Contact Form

Send