Góc Khuất Nghề Giao Dịch Viên Ngân Hàng

Góc Khuất Nghề Giao Dịch Viên Ngân Hàng

 

GÓC KHUẤT NGHỀ GIAO DỊCH VIÊN NGÂN HÀNG

Góc Khuất Nghề Giao Dịch Viên Ngân Hàng


Đằng sau những hình ảnh trang phục lịch sự, gương mặt tươi cười, công việc của những giao dịch viên ngân hàng cũng có vô vàn áp lực, khó khăn hàng ngày.

 

Khi bước chân vào ngân hàng, giao dịch viên là người trực tiếp tư vấn, tiếp nhận nhu cầu và thực hiện giao dịch cho chúng ta. Trang phục lịch sự, tư vấn nhiệt tình, phong cách trang nhã,... tại nhiều ngân hàng đã ghi điểm cho các khách hàng và cũng tạo nên một hình tượng nhân viên ngân hàng chuẩn mực mong ước của các bạn trẻ mới ra trường.

 

Tuy nhiên, đằng sau công việc tưởng chừng như rất dễ dàng và hào nhoáng đó, những giao dịch viên ngân hàng cũng phải gánh chịu rất nhiều áp lực, khó khăn trong công việc hàng ngày.

 

Chị Hằng, từng làm nhiều năm giao dịch viên tại Ngân hàng B, đã có những bộc bạch về công việc trước đây của mình.

 

LÀM GIAO DỊCH VIÊN KHÔNG HỀ ĐƠN GIẢN

Chị Hằng cho biết làm nghề này ban đầu tưởng chừng như rất dễ nhưng đã làm rồi mới hiểu được những yêu cầu khắt khe của nó.

 

Giao dịch viên là vị trí rất quan trọng, là bộ mặt của mỗi ngân hàng, phản ánh chất lượng dịch vụ, hình ảnh của ngân hàng đó, bởi vậy khi tuyển dụng nhân sự cho vị trí này, các ngân hàng đều đòi hỏi rất cao về ngoại hình, nghiệp vụ cũng như kĩ năng giao tiếp.

 

Các giao dịch viên làm việc thường trực tại quầy giao dịch của các ngân hàng, phục vụ các nhu cầu cơ bản của khách hàng như mở sổ tiết kiệm, rút lãi, tất toán sổ, mở tài khoản thanh toán, nộp tiền, rút tiền, ủy nhiệm chi, xử lí thông tin của khách hàng cùng những giao dịch khác khi khách hàng có nhu cầu.

 

Không những thế, giao dịch viên lúc nào cũng phải giữ phong thái tự tin, thân thiện, tươi vui cho dù là đang phải chịu áp lực rất lớn từ công việc hay cuộc sống đời thường.

 

Giao dịch viên cũng được xem là nghề "làm dâu trăm họ" khi hàng ngày phải tiếp xúc với rất nhiều khách hàng ở nhiều tầng lớp khác nhau và đôi khi có những khách hàng cực kì khó tính. Có trường hợp khách hàng muốn vay cầm cố sổ tiết kiệm nhưng lại không muốn chứng minh mục đích sử dụng vốn do luôn nghĩ là tiền của mình, giờ rút ra ngân hàng gây khó khăn,...

 

AI NÓI GIAO DỊCH VIÊN KHÔNG CÓ CHỈ TIÊU

Nhiều người cứ nghĩ rằng, làm giao dịch viên là chỉ cần ngồi nhập số liệu, in giấy tờ, cho khách hàng kí đúng là xong nhưng thực ra đâu chỉ có vậy.

 

Hiện nay, giao dịch viên còn phải tham gia tư vấn, bán chéo sản phẩm và có cả chỉ tiêu về doanh số bán hàng. Điều đó đòi hỏi họ phải nghiên cứu, nắm rõ các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, đồng thời phải khéo léo giới thiệu bán chéo các sản phẩm khác như bảo hiểm, trái phiếu, thẻ tín dụng...

 

"Nếu bạn là một giao dịch viên của ngân hàng thì áp lực lớn nhất của bạn sẽ là áp lực doanh số: doanh số về huy động, doanh số về tài khoản, doanh số về phát hành thẻ, doanh số về thanh toán quốc tế, doanh số bán bảo hiểm, doanh số bảo lãnh...", chị Hằng chia sẻ.

 

Trên thực tế, không hiếm bạn trẻ khi vượt qua các vòng thi gắt gao và trở thành giao dịch viên đã phải bỏ cuộc sau một thời gian ngắn bởi không chịu nổi áp lực về doanh số và nếu trụ được thì điều đó cũng trở thành ám ảnh lớn nhất của mình.

 

ÁP LỰC VỀ THỜI GIAN, YÊU CẦU CHÍNH XÁC TUYỆT ĐỐI

Thời gian giao dịch cũng là một áp lực lớn đối với Giao dịch viên. Việc khách hàng phải lấy số và chờ đến lượt giao dịch đồng nghĩa với việc giao dịch viên phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu của khách hàng, hạn chế thấp nhất thời gian chờ đợi của khách bởi không hiếm khách hàng đã phản ứng tiêu cực, làm ầm lên khi phải chờ đợi lâu.

 

Không những phải cố gắng xử lí công việc nhanh chóng, Giao dịch viên còn phải thực hiện công việc của mình một cách chính xác bởi rủi ro luôn rình rập. Việc tính lãi sai, chuyển tiền nhầm, chi nhầm tiền... đã xảy ra rất nhiều ngay cả với những giao dịch viên kì cựu khiến bản thân phải bỏ tiền túi ra bồi thường thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến hình ảnh ngân hàng.

 

Và một điều nữa mà chắc hẳn sẽ rất ít được nói đến khi nhắc đến công việc của giao dịch viên, đó là việc hoàn thiện chứng từ, đảm bảo tính đúng đắn và chính xác trên chứng từ kế toán.

 

Chứng từ như thế nào được gọi là đúng, sắp xếp sao cho đúng qui định là điều đầu tiên mỗi giao dịch viên phải học. Chữ kí của khách hàng trên chứng từ phải giống như chữ kí đã đăng kí trên hệ thống từ trước đó, rất nhiều khách hàng không kí đúng đã cho rằng  viên ngân hàng gây khó dễ và quát mắng, thậm chí có trường hợp lăng mạ giao dịch viên.

 

Mặt khác, nếu quản lí chứng từ không đúng qui trình có thể gây mất mát chứng từ sẽ dẫn đến hậu quả khó lường trong tương lai.

 

LƯƠNG GIAO DỊCH VIÊN CÓ CAO KHÔNG

Ai cũng đồn lương nhân viên ngân hàng cao ngất nhưng những con số thực tế so với con số lương trung bình được đưa lên báo chí cũng có sự khác biệt rõ rệt, nhất là với vị trí giao dịch viên, thường có mức thu nhập thấp hơn so với các vị trí khác tại ngân hàng.

 

Giao dịch viên mới vào lương tháng tầm 5 - 6 triệu đồng, sau khi có kinh nghiệm khoảng 3 năm thì sẽ tăng lên khoảng 7 - 8 triệu đồng. Ngoài ra còn có các thu nhập khác như hoa hồng bán bảo hiểm, trái phiếu hay thẻ tín dụng nếu người đó có khả năng bán hàng tốt.

 

So với những vị trí khác trong ngân hàng thì lương không cao nhưng chị vẫn làm bởi tính ổn định của vị trí này. Ngoài ra, những bạn mới ra trường cần rèn luyện tính cẩn thận, khả năng giao tiếp, khả năng chịu áp lực cao trong công việc thì giao dịch viên là một sự lựa chọn hợp lí.

Archive

Contact Form

Send