Ngân Hàng: Cảm Nghĩ Của Một “Newbie”

Ngân Hàng: Cảm Nghĩ Của Một “Newbie”

 NGÂN HÀNG: CẢM NGHĨ CỦA MỘT “NEWBIE”

Ngân Hàng: Cảm Nghĩ Của Một “Newbie”
Tôi với niềm tin giản đơn của tuổi trẻ, đã từng ôm bao hoài bão khi chập chững vào nghề ngân hàng cách đây 6 năm xin có vài dòng để các bạn trẻ mới vào nghề chiêm nghiệm ước mơ đã từng nồng nhiệt thế nào.

Thời gian trước, ngân hàng không tuyển dụng đại trà như bây giờ, một sinh viên vừa ra trường phải trải qua nhiều lần “thi thố” và phỏng vấn mới có thể đặt một chân vào ngưỡng cửa ngân hàng. Còn bây giờ, việc tuyển dụng của các ngân hàng có phần dễ thở hơn. Có những nhà băng không cần thi tuyển, chỉ qua vài phút phỏng vấn là có thể qua vòng. Thế nên có thể nói, được vào làm ngân hàng là ước mơ và cũng là hoài bão của biết bao sinh viên khi đã tốn 4 năm trên ghế nhà trường cho chuyên ngành mình đã chọn.

Còn nhớ cái ngày tôi nhận được email thông báo trúng tuyển, dù chỉ là một ngân hàng TMCP nhỏ, tôi cũng đã “mừng như điên” – nói theo cái cách không còn từ ngữ nào có thể diễn tả được nỗi vui sướng lúc đó. Bởi lẽ, ngân hàng là trung gian thanh toán, là đầu mối phát triển kinh tế quan trọng của mỗi quốc gia, do đó ngày ấy vào làm ngân hàng là cả niềm ước ao, là có một công việc ổn định với mức thu nhập ổn định, đa phần mọi người đều nghĩ như vậy.

Sau này tôi nhận ra rằng, nếu đúng thời điểm cộng với sự cố gắng, cho dù là đúng ngành hay trái ngành, bạn vẫn có thể bám trụ được với nghề ngân hàng.

Thông thường, khi một newbie (người mới) đi làm, không phải chỉ riêng ngân hàng mà bất kể là ở công ty nào, cũng đều mang tâm trạng khấp khởi và hân hoan. Khấp khởi vì không biết môi trường làm việc như thế nào, mọi người có thân thiện, công việc có suôn sẻ hay không. Hân hoan là vì sau bao năm mài giũa trên ghế nhà trường, cuối cùng cũng có thể đặt chân vào thực tế, thử sức ở môi trường ngân hàng thực sự.

Chưa bàn đến những khó khăn và áp lực một nhân viên ngân hàng phải vượt qua để có thể duy trì đến cùng, thì ngân hàng có thể nói là môi trường lý tưởng để tôi luyện những newbie.

Vì sao tôi lại nói như thế? Trước hết, môi trường ngân hàng so với mặt bằng chung thì khá tốt, có văn hóa, lịch sự. Khi bạn mới bỡ ngỡ bước chân vào đời, dù là ngân hàng lớn hay nhỏ đều phải làm việc và tuân thủ theo một môi trường chuyên nghiệp, nguyên tắc và cẩn trọng. Không thể vì cảm xúc riêng tư mà phá vỡ được hệ thống quy định và pháp luật phải tuân theo đã có từ lâu. Có thể nói, các bạn vừa tốt nghiệp có thể đặt chân vào làm ngân hàng là một sự may mắn.

Thứ hai, với những gì bạn học trên ghế nhà trường, thì không gì tốt bằng một môi trường thực tế để bạn ứng dụng cũng như minh chứng lại những lý thuyết đó. Chưa kể đến những nghiệp vụ cũng như kiến thức đôi khi chỉ có thực nghiệm mới có thể dạy cho bạn.

Ngân hàng cũng là một môi trường giúp bạn tận dụng được sức mạnh của tập thể. Không thể vì bạn giỏi mà không cần đến mọi người vì bạn làm việc trong một hệ thống. Bởi lẽ, ngân hàng vận hành theo một hệ thống quy trình khuôn mẫu, nơi đó không có chỗ cho những cá nhân, cái tôi cao.

Suốt thời gian đầu, để có thể thích ứng và theo kịp được khi tiếp xúc với nghề ngân hàng, cũng đòi hỏi những newbie phải chịu khó học hỏi, kiên trì.

Ngân hàng sẽ là nơi hoàn hảo để rèn luyện và trưởng thành cho các bạn trẻ. Các bạn sẽ cảm nhận rõ mình lớn lên, trưởng thành và hoàn thiện từng ngày khi làm việc ở đây. Vốn sống cũng như các mối quan hệ  sẽ được tích lũy và mở rộng dần dù còn duy trì với nghề hay không.

Các bạn trẻ hãy xác định rõ điều mình muốn, nhìn rõ thực tế và những gì mà các bạn sẽ phải đối mặt khi lựa chọn ngân hàng để có kế hoạch phù hợp và để sống trọn vẹn, hết mình với con đường  của mình.

Ngân hàng: Cái nôi của sự tôi luyện

Có thể tưởng tượng được khi làm việc ở ngân hàng bạn sẽ phải trải qua môi trường như thế nào khi nhìn vào một nhân viên đã làm 1 năm, 5 năm hay 10 năm, nhưng nhìn chung tất cả đều là do sự trải nghiệm và khả năng thích nghi của từng người.

Khi đậu được vào ngân hàng đã là một bước đệm cho đa phần những người mới, tuy nhiên, có gắn bó được với nghề trong thời gian dài hay là cả quãng thời gian lao động của mình hay không còn tùy thuộc vào khả năng và lựa chọn của bạn.

Tuy nhiên, tôi có thể nói rằng, không đâu rèn luyện cho bạn được khả năng bền bỉ và nhẫn nại như ở ngân hàng. Vì sao tôi nói điều này, vì bản thân ngân hàng được vận hành trên một hệ thống cố định và qua nhiều dây chuyền chuyên nghiệp. Do đó, với một nhân viên vừa vào nghề, ngân hàng thực sự là một nơi học hỏi và tôi luyện rất bài bản.

Thế nhưng, đối với các banker đã gắn bó được 3,5 hay 10 năm thì thế nào. Câu chuyện có còn là nơi nuôi ước mơ hay là nơi để hoài bão bay xa.

Để hiểu rõ cảm nghĩ của những banker lâu năm, cùng tâm sự với chị N.T.H.Trâm, nhân viên tín dụng của một ngân hàng Nhà nước chi nhánh tại Long An, đã làm được 6 năm kể từ khi chị tốt nghiệp ra trường. Theo chia sẻ của chị Trâm, càng làm lâu sẽ càng thấy ngân hàng không hề màu hồng như chị nghĩ khi vừa tốt nghiệp.

Ngày trước, chị Trâm cứ hình dung các nhân viên ngân hàng với đồng phục xinh xắn, ngồi văn phòng máy lạnh, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Tuy nhiên, sau một thời gian gắn bó lâu dài, chị cho biết, những điều đó chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm. Với vị trí nhân viên tín dụng, đa phần thời gian của chị Trâm không ngồi tại ngân hàng và làm việc ở chi nhánh tỉnh, khách hàng của chị Trâm đa số không phải là những nhân viên văn phòng hay công chức, do đó, đôi khi để đến gặp được khách hàng, việc di chuyển cũng là cả một vấn đề. Với những vùng nông thôn xa xôi, vẫn là bộ đồng phục xinh xắn mang nét đặc trưng của nhà băng, nhưng có thể sẽ phải ngồi xuồng, chèo qua kênh, suối hay lội sình bùn để gặp khách hàng… là chuyện thường ngày ở huyện.

Một vấn đề nữa được chị Trâm chia sẻ và cũng không riêng gì trường hợp của chị, chính là việc làm ngốn gần hết thời gian trong ngày. Chị Trâm làm tín dụng, tuy giờ giấc có thể linh động nhưng hầu như ngày nào cũng phải làm việc đến khoảng 8,9 giờ tối. Thậm chí ngay cả các bạn giao dịch viên ngồi quầy, khi hết giờ giao dịch 16h30 và cánh cửa ngân hàng kéo xuống, nhưng các bạn vẫn phải làm tiếp các thủ tục và giấy tờ trong ngày như chốt quỹ, kiểm đếm… Nên hầu như cũng phải 7, 8 giờ tối mới có thể về đến nhà.

Có thể kể đến vị trí dễ dàng tuyển dụng và luôn sẵn sàng cho các banker mới chính là tín dụng. Đến với nghiệp “sale” không phải chỉ cần bạn tốt nghiệp loại giỏi hay bạn chịu khó, cần cù, mà đó còn là cái “duyên”. Vị trí tín dụng trong ngân hàng có thể nói là vị trí đào thải nhanh nhất và cũng là vị trí tôi luyện ra những nhà lãnh đạo tiềm năng.

Ngày của một nhân viên tín dụng bắt đầu bằng câu hỏi hôm nay tìm khách hàng mới ở đâu, giải quyết những giấy tờ, thủ tục như thế nào… Hoặc ở vị trí thẩm định, không phải chỉ là ngồi máy lạnh gõ bàn phím, banker cũng phải “dãi nắng dầm mưa” như ai.

Không khó để lý giải vì sao 80% sinh viên ra trường không làm đúng ngành, nhất là với sinh viên ngành ngân hàng. Áp lực chỉ tiêu, áp lực thời gian, áp lực kinh tế… vô hình trung đã làm nhiều bạn tốt nghiệp hết lửa đam mê và sớm giã từ con đường này.

Vì lẽ đó, một số bạn sau khi tiếp xúc với nghề đã tìm ra một hướng đi khác, hoặc là sau bao thời gian gắn bó, không cảm thấy phù hợp nữa.

Bản thân người viết cũng từng gắn bó với ngân hàng 5 năm, từng kinh qua các vị trí tín dụng, thẩm định… thế nhưng có một khoảng thời gian bản thân cảm thấy rất mơ hồ, không còn hứng thú với công việc sáng 8h đi tối 8h về. Rồi người viết chuyển việc liên miên giữa các ngân hàng, nhưng vốn dĩ cái môi trường đặc thù nó đã là như thế, có chăng khi chuyển việc lên một vị trí khác và một mức lương khác.

Lựa chọn làm ngân hàng sẽ là lựa chọn đúng nếu ngân hàng giúp bạn có thu nhập ổn định hơn và phù hợp với bản thân bạn hơn. Khi ấy, nếu bạn tâm huyết với nghề, rồi nghề sẽ cho bạn một cuộc sống bền lâu, sung túc.

Là người từng lựa chọn ra đi, bản thân người viết cũng đã tìm được một công việc phù hợp và cảm thấy vui vẻ khi đi làm. Không phủ nhận môi trường ngân hàng đã rèn giũa và tôi luyện người viết như thế nào và nhiệt huyết dành cho ngân hàng vẫn còn đong đầy, tuy nhiên chọn một hướng đi khác cũng nhờ cái duyên mà nghề ngân hàng đã mang lại.

Archive

Contact Form

Send