Những Chú Ý Khi Cho Vay Hộ Gia Đình
NHỮNG CHÚ Ý KHI CHO VAY HỘ GIA ĐÌNH
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì hộ gia đình không được coi là chủ thể, khi hộ gia đình đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng (đi vay) thì cán bộ tín dụng hay bộ phận pháp chế tại các ngân hàng cần lưu ý đặc biệt đối với khách hàng là hộ gia đình. Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp tranh chấp phát sinh liên quan đến chủ thể là hộ gia đình khi quan hệ tín dụng với ngân hàng. Mặt khác, vì không lưu ý, không cận thận trong quá trình xét duyệt hồ sơ mà có những cán bộ tín dụng và người xét duyệt khoản vay liên quan đến hộ gia đình đã vướng vòng lao lý, ngân hàng cho vay nhưng không thu hồi được vốn.
Trong phạm vi bài viết này, xin chia sẻ những kinh nghiệm thực tế phát sinh liên quan đến hộ gia đình trong quan hệ tín dụng tại ngân hàng.
TÌNH HUỐNG 1
Công ty A có nhu cầu vay vốn 10 tỷ đồng từ Ngân hàng B để phục vụ cho nhu cầu vốn lưu động trong quá trình kinh doanh. Tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty A là Quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình ông C.
Sau khi kiểm tra thực tế nhu cầu vay vốn của Công ty A và tài sản bảo đảm của bên thứ ba, cán bộ tín dụng Ngân hàng B đã đề xuất người có thẩm quyết định cho vay đồng ý và giải ngân khoản vay cho Công ty A. Mọi thủ tục hồ sơ, giấy tờ từ khâu thẩm định, đăng ký giao dịch bảo đảm đều được cán bộ tín dụng làm rất cận thận và chi tiết.
Công ty A sau khi vay vốn từ Ngân hàng B những tháng đầu tiền thực hiện rất đúng cam kết trả gốc, lãi đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, sau 2 tháng, việc trả gốc, lãi của Công ty A không đúng cam kết và bị quá hạn nhưng Công ty A vẫn không có động thái trả nợ. Đến tháng thứ 5, thứ 6 Công ty A vẫn không trả nợ.
Sau khi tìm hiểu, Ngân hàng B mới biết do Công ty A làm ăn thua lỗ, mất khả năng thanh khoản, ngoài khoản nợ với Ngân hàng B thì Công ty A còn nợ rất nhiều các chủ nợ khác, trong đó có các ngân hàng khác đang cùng hoạt động trên địa bàn với Ngân hàng B.
Cho đến lúc này, mọi việc thu hồi nợ từ món vay của Công ty A được Ngân hàng B dồn hết vào tài sản bảo đảm là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình ông C. Tuy nhiên, khi Ngân hàng B làm thủ tục để phát mại tài sản của gia đình ông C thì gia đình ông C liên tục phản đối và không hợp tác. Gia đình ông C cho rằng đã bị Công ty A và Ngân hàng B lừa nên mới ký hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Gia đình ông C cho rằng, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã được thế chấp tại Ngân hàng B là tài sản chung của hộ gia đình ông C nhưng khi tiến hành thế chấp có 2 thành viên đã không đồng ý thế chấp. Việc 2 thành viên không đồng ý thế chấp là điều kiện để gia đình ông C yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình ông với ngân hàng vô hiệu.
Sau khi xem xét hồ sơ, Ngân hàng B quyết định khởi kiện hộ gia đình ông C ra Tòa án để thu hồi nợ. Trong quá trình thụ lý hồ sơ, Tòa án phát hiện Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình ông C là tài sản của hộ gia đình gồm 7 người con, trong đó, ông C được những thành viên khác trong gia đình ủy quyền thực hiện việc thế chấp tại Ngân hàng B. Tuy nhiên, có 2 thành viên trong gia đình ông C hiện đang ở nước ngoài và chỉ ủy quyền cho ông C bằng giấy viết tay, không được công chứng hay chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với ủy quyền của thành viên trong hộ gia đình, theo quy định Luật công chứng và quy định của Bộ luật dân sự thì nếu tài sản của hộ gia đình khi thế chấp tất cả các thành viên trong hộ gia đình phải đồng ý, trường hợp người đại diện hộ gia đình (thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) thay mặt hộ gia đình ký thế chấp thì các thành viên khác phải có ủy quyền và ủy quyền phải được công chứng, chứng thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hộ gia đình ông C có 2 thành viên đang ở nước ngoài thì vẫn phải có ủy quyền bằng văn bản và ủy quyền phải được cơ quan lãnh sự quán chứng nhận việc ủy quyền. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hộ gia đình ông C chỉ có ủy quyền bằng giấy viết tay của 2 thành viên đang ở nước ngoài nên theo nhận định của Tòa án thì hợp đồng thế chấp mà ông C thay mặt hộ gia đình ký với Ngân hàng B bị vô hiệu.
TÌNH HUỐNG 2
Tương tự là trường hợp vay của hộ gia đình bà T, do cần vốn kinh doanh nên bà T được sự đồng ý của các thành viên khác trong gia đình đại diện chủ hộ đứng ra quan hệ tín dụng với ngân hàng Z. Tài sản bảo đảm cho khoản vay mà bà T đại diện cũng chính là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà bà T và 5 thành viên khác trong gia đình đang sinh sống.
Sau khi thẩm định các điều kiện theo đúng quy định, Ngân hàng Z tiến hành giải ngân cho hộ gia đình bà T vay 3 tỷ đồng, thời hạn vay 24 tháng. Sau khi giải ngân tiền vay, hộ gia đình bà T luôn trả lãi, gốc đầy đủ đúng cam kết. Một thời gian kinh doanh, do không có nguồn cung nên gia đình bà T gặp khó khăn trong việc trả nợ, Ngân hàng Z đã tiến hành làm việc, đề nghị hộ gia đình bà T thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ. Tuy nhiên, vì không có nguồn tiền trả nợ nên bà T đã đồng ý cho Ngân hàng Z phát mại tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đang được gia đình bà T sinh sống với điều kiện Ngân hàng Z phải cho thời hạn là 5 tháng để gia đình bà T thu xếp chỗ ở mới.
Mọi việc xử lý tài sản đang diễn ra thuận lợi thì đúng vào ngày Ngân hàng Z hẹn bà T tiến hành các thủ tục bàn giao tài sản, người con trai của bà T vừa tròn 15 tuổi đứng ra phản đối việc phát mại mà Ngân hàng Z đang tiến hành để thu hồi nợ với lý do: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà bà T đem thế chấp Ngân hàng Z là tài sản chung của hộ gia đình, khi thế chấp phải được tất cả các thành viên trong hộ gia đình đồng ý chấp thuận, trong đó có người cả người con trai vừa tròn 15 tuổi.
Không bằng lòng với sự phản đối của người con bà T, Ngân hàng Z làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án. Tại bản án sơ thẩm, Tòa án đã tuyên hợp đồng thế chấp giữa đại diện chủ hộ gia đình và bà T với Ngân hàng Z bị vô hiệu một phần vì khi ký hợp đồng đã không có sự đồng ý của tất cả các thành viên đã thành niên của hộ gia đình.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, Ngân hàng Z tiếp tục kháng cáo Tòa cấp cao xét xử lại vụ việc theo thủ tục phúc thẩm. Hiện tại, vụ việc đang được Tòa án cấp cao chuẩn bị xét xử.
PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ HỘ GIA ĐÌNH
Trong giai đoạn hiện nay, hộ gia đình đang được coi là đối tượng đầu tư lớn của các ngân hàng. Số lượng giao dịch tài chính, tín dụng giữa các hộ gia đình và ngân hàng ngày càng gia tăng. Do vậy, khi xác định chủ thể hộ gia đình, Bộ luật dân sự trước kia và một số quy định pháp luật có liên quan luôn coi hộ gia đình là chủ thể đặc biệt, bởi vì, hộ gia đình được hiểu là các thành viên có tài sản chung và tài sản chung được hiểu là tài sản do các thành viên của cả hộ gia đình cùng tạo lập nên trong quá trình tiến hành các hoạt động kinh tế chung.
Tài sản chung gồm quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất (gồm cả đất ở, đất canh tác), rừng, rừng trồng của hộ gia đình khi được Nhà nước giao đất canh tác, trồng rừng và các tài sản chung được tạo thành. Trong quan hệ giao dịch của hộ gia đình thì đại diện giao dịch của hộ gia đình là chủ hộ. Theo quy định, chủ hộ là đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ. Cha, mẹ hoặc một thành viên khác đã thành niên cố thể là chủ hộ. Chủ hộ cố thể ủy quyền cho thành viên khác đã thành niên làm đại diện của hộ trong quan hệ dân sự. Khi giao dịch dân sự do người đại diện của hộ gia đình xác lập, thực hiện vì lợi ích chung của hộ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của cả hộ gia đình.
Như vậy, theo quy định, chỉ có các hộ gia đình có tài sản chung, có hoạt động kinh tế chung, chịu trách nhiệm bằng tài sản chung và cả tài sản riêng của thành viên hộ gia đình mới được giao dịch với tư cách là hộ gia đình để vay vốn. Các trường hợp khác, giao dịch với ngân hàng là những giao dịch với tư cách cá nhân.
THỰC TẾ ÁP DỤNG
Quay trở lại với 2 tình huống thực tế trên, ở tình huống 1, việc các thành viên trong hộ gia đình ông C ủy quyền cho ông C thực hiện thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với Ngân hàng B nhưng lại có 2 thành viên ở nước ngoài nên theo quy định của Luật công chứng thì ủy quyền bắt buộc phải được công chứng, chứng thực (ở đây là xác nhận của lãnh sự quán của Việt Nam tại nước mà thành viên hộ gia đình ông C đang sinh sống).
Khi tiến hành nhận thế chấp và giải ngân khoản vay, Ngân hàng B đã không xem xét, không đối chiếu hết các quy định của pháp luật có liên quan đến hộ gia đình, dẫn đến khi xảy ra tranh chấp, Ngân hàng B không thu hồi được nợ cho vay.
Ở tình huống thực tế 2, khi Tòa án tuyên bản án bất lợi, Ngân hàng Z kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là hoàn toàn xác đáng, việc thành viên chưa đủ 15 tuổi (chưa thành niên) không có ý kiến khi hộ gia đình vay vốn là hoàn toàn đúng quy định. Chỉ các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên trong hộ gia đình mới có quyền đồng ý hay không đồng cho hộ gia đình vay vốn, thế chấp, cầm cố, bảo lãnh… với ngân hàng. Do đó, Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu là thiếu căn cứ, vì khi vay vốn thành viên không đồng ý chưa đủ 15 tuổi. Tòa án không thể căn cứ vào độ tuổi của thành viên trong hộ gia đình tại thời điểm tranh chấp để quyết bản án gây bất lợi cho Ngân hàng Z.
Trên cơ sở quy định của pháp luật đối với hộ gia đình và trên thực tế các tranh chấp phát sinh liên quan đến hộ gia đình trong các mối quan hệ với ngân hàng, có thể thấy rằng, hộ gia đình vẫn là chủ thể quan trọng. Tuy nhiên, hiện tại, theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì hộ gia đình không được coi là chủ thể, nên khi hộ gia đình đặt quan hệ tín dụng thì theo quy định phải thông qua ủy quyền, tức là cá nhân thay mặt hộ gia đình đứng ra vay vốn và các thành viên khác phải đồng ý ủy quyền cho cá nhân đó thực hiện giao dịch với ngân hàng. Tuy nhiên, thực tế áp dụng đôi khi lại phát sinh các tình huống không có trong quy định, do vậy, để đảm bảo hài hòa quyền lợi của khách hàng cũng như lợi ích của ngân hàng, chúng tôi xin lưu ý một số nội dung sau liên quan đến hộ gia đình:
Thứ nhất: cán bộ tín dụng và những bộ phận có liên quan tại ngân hàng khi tiến hành thẩm định cho vay hay nhận tài sản thế chấp của hộ gia đình cần xác định được hết các thành viên của hộ gia đình, xác định độ tuổi các thành viên, xác định nguồn gốc tài sản của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình hoặc người được chủ hộ gia đình ủy quyền giao dịch với ngân hàng thì xác định tư cách của người được giao dịch, xem xét ủy quyền của các thành viên (ủy quyền phải công chứng, chứng thực, nếu có thành viên đang ở nước ngoài phải có xác nhận của lãnh sự quán hoặc đại sứ quán của Việt Nam tại nước mà thành viên đó đang lưu trú).
Thứ hai: đối với thành viên đủ 15 tuổi trở lên trong hộ gia đình, nhất thiết khi nhận tài sản thế chấp hoặc khi hộ gia đình đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng, cán bộ tín dụng phải lấy được ý kiến bằng văn bản của các thành viên trong hộ gia đình về việc đống ý hay không đồng ý việc thế chấp, cầm cố, vay vốn của hộ gia đình với ngân hàng. Trường hợp khi đặt quan hệ vay vốn, thế chấp, cầm cố với ngân hàng mà hộ gia đình có những thành viên chưa đủ 15 tuổi, mặc dù theo quy định không cần phải có ý kiến của những thành viên đó, tuy nhiên, theo chúng tôi, ngân hàng vẫn nên lấy ý kiến của thành viên chưa đủ 15 tuổi đó và các thành viên khác cùng đồng ý xác nhận trường hợp lấy ý kiến của thành viên chưa đủ 15 tuổi này (nên có biên bản họp gia đình của tất cả các thành viên và biên bản này cần công chứng, chứng thực) hoặc lấy ý kiến của người đại diện đương nhiên của người chưa thành niên trong hộ gia đình (ví dụ: con chưa đủ 15 tuổi thì người đại diện của con sẽ là bố hoặc mẹ sẽ có ý kiến cho người con chưa đủ 15 tuổi).
Thứ ba: nếu tài sản của hộ gia đình không đủ để thanh toán các nghĩa vụ của hộ gia đình, theo quy định, ngân hàng có quyền yêu cầu các thành viên trong hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ liên đới đối với trách nhiệm chung của hộ gia đình. Ngân hàng có quyền yêu cầu bất cứ thành viên nào trong hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân hàng.
Thứ tư: hộ gia đình không được coi là chủ thể của pháp luật dân sự, do đó việc vay vốn liên quan đến hộ gia đình phải thông qua cá nhân (chủ hộ hoặc người được ủy quyền) thay mặt hộ gia đình thực hiện các hoạt động pháp lý liên quan đến khoản vay của hộ gia đình tại ngân hàng và các thành viên khác phải đồng ý ủy quyền.
Thứ năm: việc xác định tài sản chung của các thành viên hộ gia đình gồm tài sản do các thành viên gia đình đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình, phải có thỏa thuận của tất cả các thành viên, trường hợp không có thỏa thuận thì thực hiện quy định về sở hữu chung theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Thứ sáu: đối với hộ gia đình sử dụng đất, phải xác định hộ gia đình có quyền sử dụng đất đó là những người có cùng huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Nguồn: Agribank