Ủy Quyền - Vấn Đề Pháp Lý Cần Biết Khi Xem Xét Cho Vay
ỦY QUYỀN - VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CẦN BIẾT KHI XEM XÉT CHO VAY
Ủy quyền được hiểu là sự thỏa thuận giữa các
bên, theo đó, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy
quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật
có quy định.
Chính vì ủy quyền là sự thỏa thuận nên khi thực
hiện có rất nhiều điều vướng mắc, có khi ủy quyền lại nhằm che dấu một hành vi
phạm pháp khác mà khi giao dịch các chủ thể không biết hoặc cố tình không biết
để thực hiện nhằm thu lợi bất chính từ những sơ hở của việc ủy quyền, đặc biệt
là trong các giao dịch ủy quyền cầm cố thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu
tài sản của bên thứ ba cho khách hàng ký hợp đồng tín dụng vay vốn từ ngân
hàng. Cùng một vụ việc nhưng khi xử lý lại có những quan niệm, cách hiểu và thậm
chí là cách vận dụng pháp luật khác nhau dẫn đến bên bị thiệt hại từ những sơ hở
của việc ủy quyền lại là ngân hàng nơi cho vay khách hàng mà trong hoạt động của
các ngân hàng đôi khi không thể lường trước được.
TÌNH HUỐNG THỰC TẾ
Người đại diện theo pháp luật của Công ty A
có làm giấy ủy quyền cho Phó giám đốc đại diện cho Công ty A ký hợp đồng tín dụng,
hợp đồng bảo đảm tiền vay giữa Công ty A với Ngân hàng X. Công ty A vay vốn
Ngân hàng hàng X để mua ô tô kinh doanh dịch vụ taxi. Sau khi kiểm tra xem xét
hồ sơ và các tài liệu, cán bộ tín dụng Ngân hàng X xác định hồ sơ pháp lý hợp lệ,
Phó giám đốc Công ty A đã có ủy quyền từ Giám đốc - người đại diện theo pháp luật
của Công ty A nên đã đề xuất cho vay với thời hạn 5 năm.
Việc cho vay và trả nợ đang diễn ra rất tốt đẹp
đến năm thứ 3 thì Công ty A không trả nợ vì tình hình kinh doanh dịch vụ vận tại
bị thua lỗ. Ngân hàng X đã nhiều lần yêu cầu Công ty A thực hiện trả nợ nhưng
Công ty A vẫn không tiến hành thực hiện nghĩa vụ nên Ngân hàng X đã khởi kiện
Công ty A ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Khi Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án
mới phát hiện, việc Phó giám đốc Công ty A ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế
chấp tài sản là không đúng thẩm quyền vì thời hạn ủy quyền đã hết, đồng thời,
do Công ty A là công ty cổ phần và việc vay vốn để đầu tư, phát triển Công ty
A, theo quy định tại Điều lệ phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua. Tại bản
án của Tòa án đã tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu đã dẫn đến Ngân hàng X bị thiệt
hại.
Ngân hàng Y làm ủy quyền cho cán bộ pháp chế
đại diện cho Ngân hàng Y để khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án. Trên quyết
định ủy quyền có ghi đầy đủ các thông tin về người ủy quyền, người được ủy quyền,
nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Tuy nhiên, khi Tòa án tiếp nhận đơn khởi
kiện và quyết định ủy quyền, Tòa án đã không thụ lý và yêu cầu Ngân hàng Y phải
làm lại quyết định ủy quyền của người đại diện pháp luật của Ngân hàng Y cho
cán bộ pháp chế vì Tòa án không chấp nhận ủy quyền thường xuyên mà phải ủy quyền
trực tiếp.
Tương tự là trường hợp tại Ngân hàng Z, khi
người đại diện pháp luật ủy quyền cho cán bộ pháp chế khởi kiện trong phần ủy
quyền chỉ ghi ông Nguyễn Văn B ủy quyền cho ông Nguyễn Văn C mà thiếu mất phần
đại diện Ngân hàng Z là ông Nguyễn văn B… nên Tòa án cũng đã trả lại đơn khởi
kiện.
PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ ỦY QUYỀN
Theo quy định tại Bộ luật dân sự thì pháp
nhân là một chủ thể của pháp luật, Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân
có quyền quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của pháp
nhân, của người đại diện. Người đại diện chỉ được thực hiện giao dịch dân sự
trong phạm vi đại diện và không được xác lập giao dịch, thực hiện giao dịch dân
sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người
đó. Người đại diện theo pháp luật có thể uỷ quyền lại cho người khác thay mình
thực hiện các giao dịch dân sự của người đại diện.
Trên cơ sở quy định của Bộ luật dân sự nói
trên, câu hỏi được đặt ra là cá nhân ủy quyền hay ngân hàng ủy quyền và ủy quyền
thường xuyên theo thời gian dài cho cấp dưới tham gia tố tụng tại Tòa án có
đúng theo quy định của Pháp luật và yêu cầu của Tòa án. Đồng thời, đối với hoạt
động cho vay tại các ngân hàng, việc kiểm tra hồ sơ pháp lý của khách hàng nếu
không phải người đại diện theo pháp luật của khách hàng ký hợp đồng tín dụng
thì khi xem xét yếu tố ủy quyền ngân hàng phải xem xét những yếu tố nào để đảm
bảo tính pháp lý trong hồ sơ cho vay.
THỰC TẾ ÁP DỤNG
Từ thực tiễn tham gia tố tụng tại Tòa án và
quá trình cho vay khách hàng có thể thấy rằng: người đại diện theo pháp luật của
mỗi pháp nhân trong quá trình hoạt động kinh doanh có đầy đủ quyền để ủy quyền
cho cấp dưới của pháp nhân (có thể ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh hoặc
những người khác trong pháp nhân) tham gia tố tụng tại các cấp xét xử của Tòa
án hay ký các hợp đồng tín dụng vay vốn từ ngân hàng tùy theo từng loại hình
doanh nghiệp. Việc uỷ quyền phải có thoả thuận về thời gian, nếu không có thoả
thuận, uỷ quyền coi như chấm dứt sau một năm kể từ ngày uỷ quyền có hiệu lực.
Quay trở lại với tình huống đã nêu, việc thẩm
định cho vay của cán bộ tín dụng đã rất sơ hở khi không kiểm tra hồ sơ pháp lý
trong đó có ủy quyền của Phó giám đốc đã hết thời hạn nhưng cán bộ tín dụng vẫn
đề xuất cho vay dẫn đến thiệt hại xảy ra cho ngân hàng. Việc người đại diện
theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền thường xuyên mà không ủy quyền từng lần
cho việc tham gia tố tụng của pháp nhân tại Tòa án có thẩm quyền là phù hợp với
quy định của Bộ luật dân sự về ủy quyền và chế định người đại diện theo pháp luật.
Việc Tòa án từ chối ủy quyền thường xuyên của pháp nhân là không có cơ sở.
Từ những tình huống phát sinh và việc Tòa án
không chấp nhận ủy quyền, để tránh nhầm lẫn cũng như thiệt hại xảy ra liên quan
đến việc ủy quyền trong hoạt động của doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói
riêng, một số cách thức nhận biết liên quan đến việc ủy quyền:
Thứ nhất: Đối
với bộ hồ sơ pháp lý trong bộ hồ sơ vay vốn của khách hàng, cán bộ tín dụng khi
xem xét cần lưu ý về thời hạn ủy quyền, nội dung ủy quyền, xem xét mô hình hoạt
động của doanh nghiệp để tránh trường hợp người được ủy quyền không có quyền ký
hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tiền vay nhưng vẫn đề xuất cho vay dẫn đến
thiệt hại.
Thứ hai: Đối
với hoạt động của các doanh nghiệp là khách hàng vay vốn của ngân hàng, cán bộ
tín dụng cần lưu ý phân biệt được người đại diện đương nhiên, người đại diện
theo ủy quyền và người đại diện theo ủy quyền lại của doanh nghiệp.
- Người đại diện đương nhiên: Được thể hiện
trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và trong Điều lệ.
- Người đại diện theo ủy quyền: Là đại diện
theo ủy quyền của người đại diện đương nhiên và phải lập thành văn bản thể hiện
các nội dung theo đúng quy định của Bộ luật dân sự.
- Người đại diện theo ủy quyền lại: Là đại diện
do người được ủy quyền, ủy quyền lại cho người thứ ba, nhưng cần lưu ý, việc ủy
quyền lại phải được người đại diện đương nhiên (người ủy quyền ban đầu) đồng ý
và người được ủy quyền lại không được ủy quyền lại cho người thứ tư.
Thứ ba: Khi
ủy quyền tham gia tố tụng của pháp nhân tại Tòa án cần lưu ý trong mục người ủy
quyền bắt buộc phải ghi (Ngân hàng…, người đại diện theo pháp luật… ủy quyền
cho …) để đảm bảo việc ủy quyền là ngân hàng ủy quyền chứ không phải cá nhân
người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Thứ tư: Trường
hợp ủy quyền thương xuyên nhưng Tòa án vẫn không chấp nhận hồ sơ khởi kiện vì
cho rằng phải ủy quyền từng lần vào từng vụ việc cụ thể, ngân hàng nơi Tòa án từ
chối hồ sơ cần làm việc cụ thể, đưa ra những căn cứ pháp luật để thống nhất với
Tòa án nơi thụ lý hồ sơ, tránh việc công văn qua lại mất thời gian gây cản trở
cho việc thu hồi nợ từ ngân hàng vì thời gian xử lý càng lâu thì tài sản bảo đảm
của khách hàng càng mất giá trị.