Ngân Hàng – Với Bạn Là Nghề Hay Nghiệp

Ngân Hàng – Với Bạn Là Nghề Hay Nghiệp

NGÂN HÀNG – VỚI BẠN LÀ NGHỀ HAY NGHIỆP

Ngân Hàng – Với Bạn Là Nghề Hay Nghiệp

Những năm gần đây, khi ngành ngân hàng đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro, việc các nhân sự rời ngành không còn là điều hiếm. Trong những nhóm anh em bạn bè, những buổi café nói chuyện, tôi thường được nghe về việc anh A, chị B – chuyển ngân hàng rồi; anh C, chị D bỏ ngân hàng ra làm riêng. Tần suất ngày càng thường xuyên và “chúc anh/chị/bạn thành công trên con đường mới” trở thành câu cửa miệng của tôi lúc nào không hay. Nghe mãi thành quen, nhưng những điều này cũng đọng lại nhiều suy ngẫm.
Bản thân tôi cũng đã có lúc chán chường, áp lực muốn đưa ra quyết định tương tự. Tôi tự hỏi cái nghề này khắc nghiệt vậy hay do mình không đủ mạnh mẽ? Tôi là người hay giúp các em sinh viên mới ra trường định hướng và có cơ hội chen chân vào trong ngành, nhưng chính tôi cũng là người tâm tình, cổ vũ anh em bạn bè rời khỏi ngành. Vì sao vậy?

Làm ngân hàng nói chung hay một nhân viên quan hệ khách hàng (QHKH) chính hiệu như tôi, để ra được kết quả, để có lợi nhuận trong bối cảnh mật ít ruồi nhiều mà không muốn thay đổi khẩu vị rủi ro thì việc đi sớm, về muộn, ăn nhậu, tiếp khách, chạy chỉ tiêu, mở rộng quan hệ, hay rèn luyện cho mình một khoa ăn nói chích chòe với khách hàng, một nhân viên thân cận với sếp là điều gần như bắt buộc. Đương nhiên ai không đặt nặng thành tích và miếng cơm manh áo thì mức độ sẽ giảm đi nhiều phần, nhưng với tôi – một đứa trong nghề đến 7 năm – thấy rằng những điều này vẫn đang đúng.

Những người không chịu được áp lực trong công việc, cần thời gian cho gia đình, bản thân sẽ tìm cho mình một con đường riêng. Theo quan điểm cá nhân tôi, dù đi đâu, làm gì, muốn đạt được thành công trong ngành tài chính, bạn vẫn phải chấp nhận đánh đổi. Chưa kể rằng, nghề này mang lại cho mình nhiều thứ mà những người khác không có được.

Vấn đề không phải loay hoay đứng núi này trông núi nọ, điều thực sự quan trọng là đã chọn con đường này, làm thế nào để sống, thậm chí là sống tốt với nó. Tôi tin mình đang trên đường tiến tới thành công theo cách của chính mình.

Rèn luyện thường xuyên và nghiêm túc nền tảng kiến thức, kỹ năng – hành trang trước giông bão cuộc đời
Xuất phát điểm từ một đứa ham tự nhiên, thích kỹ thuật – công nghệ, vì sức ép gia đình mà Học viện Ngân hàng là nơi tôi chọn học. Tự nhận bản thân là người biết suy nghĩ, hiếu thắng và chưa bao giờ phải khiến bố mẹ phiền lòng, nhờ sự nỗ lực, tôi đã có được tấm bằng xuất sắc và học bổng thường xuyên các kỳ.

Tôi ra trường với bản CV đầy những thành tích trong quá trình đào tạo, học tập, thực tập và rèn luyện kỹ năng mềm; tự tin ngẩng cao đầu tự cạnh tranh vào nhóm ngân hàng Big 4 với đầy rẫy những đối thủ mà dân ngân hàng vẫn gọi là COCC (con ông cháu cha – PV). Khi đã có một vị trí, nhận ra đây không phải môi trường mà mình có thể trưởng thành vì có những đặc thù riêng, tôi lại lao đi và điểm đến tiếp theo là một ngân hàng cổ phần tư nhân, nơi mang đến cho tôi những thách thức đáng nhớ nhất.

Hành trình tìm đến thành công là con đường đầy chông gai và thử thách
Có kỹ năng, có kiến thức nhưng việc vận dụng nó ra sao để ra được kết quả mà tránh được cạm bẫy là cả một vấn đề. Tôi đã bị cho một bài học chỉ vì tự tin thái quá.

Chỉ tiêu một tháng xx tỷ dư nợ, yy tiền gửi, zz khách hàng mới, phải xử lý được abc khách hàng nợ xấu, cùng với đó là các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, rồi phải làm thân với sếp và với cả những con người màu mè, khác nhau về thái độ sống, quan điểm hay có những tính cách mà tôi rất ghét – vực thẳm là đây!

Thời gian đó, tôi vừa chịu áp lực trong công việc vừa bận rộn khi tiếp tục học lên cao học và học thêm kỹ năng. Bố mẹ, gia đình không chia sẻ (thật ra tôi cũng không muốn gia đình phải phiền lòng) nên chỉ biết rằng con mình đang có một công việc bao người mơ ước ở thành phố lớn. Không có nhiều quan hệ, tôi chật vật mãi mới có thể đạt được chỉ tiêu.

Chạy bục mặt ngoài đường bất kể nắng mưa, xóm ngoại thành hay khu công nghiệp đều không thiếu dấu giày. Sáng sớm chạy sang lãnh đạo ký cho kịp hay đêm hôm lọ mọ mang chứng từ cho khách, một mình lao vào khu tập thể cũ đổ nát gặp khách hàng nợ quá hạn, nịnh bợ năn nỉ cán bộ tác nghiệp hỗ trợ giải ngân….Tình trạng đó cứ liên tục tiếp diễn khiến việc đến cơ quan với tôi mỗi sáng trở thành ác mộng.

Nhưng rồi mọi thứ cũng đơn giản hơn khi mình có kinh nghiệm, có lượng khách hàng nhất định và đã khôn khéo hơn. Khi đạt được những thành tích nhất định cũng là lúc tôi tìm cho mình một thử thách mới – quay lại “Big 4”.

Cũng là ngân hàng nhưng hai vị trí, hai môi trường cho tôi trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Là QHKH phục vụ khách hàng lớn, dù không chịu áp lực doanh số, nhưng với tôi đây là công việc cực kỳ rủi ro và phải hết sức khéo léo.

Nhận công việc theo chỉ đạo, phục vụ theo yêu cầu, cắm đầu mà ký cùng với việc nơi công sở khá nhiều vấn đề cạm bẫy riêng tư… câu hỏi đặt ra là làm thế nào để không rủi ro, làm thế nào để không mất lòng ai, làm thế nào để không vướng vào các mối quan hệ không chính thống hay đơn giản dùng đúng từ là “tồn tại được”.

Với những gì đã tích lũy được thì tôi vẫn đã và đang sống tốt, đạt được những thành tích nhất định. Đương nhiên xung quanh vẫn không thiếu những người không thích nghi được hoặc vướng vào điều gì đó ảnh hưởng đến cả cuộc sống hoặc buộc phải ra khỏi ngành.

Ngày mai vẫn sẽ bước tiếp con đường mà tôi đã chọn
Tôi coi đây là nghiệp – với những gì đã trải qua, tôi yêu thích và vẫn muốn khám phá những điều khác trên con đường này. Nó mang lại cho tôi một vị trí, một mức thu nhập xứng đáng với những gì bỏ ra để tôi có thể lo tốt được cho bản thân và gia đình. Sau nhiều năm, tôi tự sàng lọc được cho mình những đồng nghiệp trân quý.

Khi đã có kinh nghiệm, có một vị trí nhất định, tôi tiếp tục vẽ ra cho mình những mục tiêu mới, tiếp tục bồi dưỡng tri thức (luật, ngoại ngữ, quản trị tài chính…), làm mới bản thân (học thêm kỹ năng, chơi thể thao, nhạc cụ…) và dành thời gian tối đa cho gia đình. Tin tôi đi, những điều này mới làm cho cuộc sống của bạn trở nên thật sự hạnh phúc.

Như đã đề cập ở trên, tôi giúp đỡ những em bước vào ngành và động viên cổ vũ những ai muốn rời khỏi ngành khi họ đã bế tắc, tôi làm song song cả hai việc, vì đời mà, ai cũng có lựa chọn của riêng mình.

Nhưng quan trọng là đừng loay hoay vô định, cần có ý chí quyết tâm và sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng khi hành động bất kỳ điều gì, chọn nghề cũng không ngoại lệ.

Archive

Contact Form

Send