9 Điểm Cần Lưu Ý Trong Luật Tổ Chức Tín Dụng
9 ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG LUẬT TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Một bộ luật không kém
phần quan trọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đó chính là luật tổ chức tín
dụng. Ngoài việc góp phần tạo một khung pháp lý ổn định cho thị trường thì nó được
dùng khá nhiều trong các kì thi tuyển dụng ngân hàng. Dưới đây là 9 điểm cần
lưu ý trong luật tổ chức tín dụng mà các bạn cần nắm.
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất
cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng
phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. (Khoản 1 Điều
4 Luật Các tổ chức tín dụng)
Theo quy định tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng, tổ chức
tín dụng bao gồm 04 loại sau:
- Ngân hàng: loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện tất cả
các hoạt động ngân hàng. Tùy thuộc vào tính chất và mục tiêu hoạt động, ngân
hàng bao gồm các loại hình sau: ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách,
ngân hàng hợp tác xã.
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng
được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định, trừ các hoạt
động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản
của khách hàng.
- Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu
thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ
gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
- Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân,
cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện
một số hoạt động ngân hàng theo quy định nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ
nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
2. PHÂN BIỆT TỔ CHỨC
TÍN DỤNG NGÂN HÀNG VÀ PHI NGÂN HÀNG
Ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi thương mại đều là các tổ
chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đều chịu sự điều chỉnh của
pháp luật ngân hàng và tiền tệ. Tuy nhiên, chúng có một số điểm khác nhau như
sau:
- Về nguồn vốn: Vốn của ngân hàng thương mại là các khoản tiền
nhận gửi, các khoản tiền vay, khoản tiền tự có còn nguồn vốn của các tổ chức
tài chính phi ngân hàng là vốn tự góp, các quỹ trợ cấp, tiền thu được khi phát
hành cổ phiếu trái khoản…
- Về hoạt động: Ngân hàng thương mại được nhận tiền gửi, đi
vay các khoản nhỏ và cho vay các khoản lớn còn các tổ chức tín dụng phi ngân
hàng thì không được nhận tiền gửi và phải đi vay các khoản lớn và cho vay các
khoản nhỏ.
- Về vấn đề quản lý của Nhà nước: Ngân hàng thương mại chịu sự
quản lý của Nhà nước và ràng buộc về tiền gửi dựng trữ, bảo hiểm khoản vay…
không được tham gia vào thị trường chứng khoán; các tổ chức tín dụng phi thương
mại không bị ràng buộc nhiều như ngân hàng thương mại, hoạt động chủ yếu là đầu
tư cổ phiếu, thương phiếu, bất động sản…
3. CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC
VAY VƯỢT GIỚI HẠN
Theo quy định tại Quyết định 13/2018/QĐ-TTg, tổ chức tín dụng
được cho vay vượt giới hạn đối với một số đối tượng sau:
- Khách hàng đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng, không có nợ xấu
trong 03 năm gần nhất liền trước năm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn, có hệ
số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính
quý/năm tại thời điểm gần nhất với thời điểm đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn;
- Khách hàng có nhu cầu vốn để thực hiện các dự án, phương án
sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội như: Triển
khai các dự án, phương án ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, các chương
trình, dự án Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư…
- Dự án, phương án đề nghị cấp tín dụng vượt giới hạn đã được
tổ chức tín dụng thẩm định là đảm bảo khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ và
quyết định cấp tín dụng; đáp ứng các quy định hiện hành về đầu tư và xây dựng,
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (Khoản 1 Điều 3)
Điều 128 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định giới hạn
cấp tín dụng như sau: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt
quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng
và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, để vay vượt giới hạn, các tổ chức tín dụng cũng cần
đáp ứng một số điều kiện về cấp tín dụng hợp vốn; giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an
toàn hoạt động; việc thực hiện các trách nhiệm, nghĩa vụ trong hồ sơ…
4. CÁC HÌNH THỨC NHẬN
TIỀN GỬI CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Theo quy định tại Điều 108 và Điều 112 Luật Các tổ chức tín dụng,
công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính được nhận tiền gửi với các hình
thức sau:
- Nhận tiền gửi của tổ chức.
- Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kì phiếu, tín phiếu, trái phiếu,
để huy động vốn của tổ chức
Quỹ tín dụng nhân dân được nhận tiền gửi dưới các hình thức:
- Nhận tiền gửi của thành viên.
- Nhận tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân không phải là thành
viên theo quy định của Ngân hàng nhà nước…
5. LÃI SUẤT VAY NGẮN
HẠN TỐI ĐA KHÔNG QUÁ 7,5%/NĂM
Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất thỏa thuận
của khoản tiền vay không được vượt quá 20%/năm trừ trường hợp luật khác có quy
định liên quan khác.
Khoản 2, khoản 3 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có
nêu, tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất cho vay
theo quy định.
Như vậy, lãi suất cho vay sẽ được thực hiện theo quy định của
Luật các Tổ chức tín dụng.
Theo Thông tư 14/2017/TT-NHNN, từ 01/01/2018, tổ chức tín dụng
và khách hàng được thỏa thuận về mức lãi suất, phương pháp tính lãi phù hợp với
quy định.
Theo đó, lãi suất cho vay được thỏa thuận dựa trên cung cầu vốn
thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Mức lãi suất
cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá mức
lãi cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định.
Cụ thể, tại Điều 1 Quyết định 1425/QĐ-NHNN quy định lãi suất
cho vay ngắn hạn (khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 năm) như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ
Tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn
hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm.
- Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức
lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 7,5%/năm.
6. KHÔNG PHẢI PHÁP
NHÂN KHÔNG ĐƯỢC VAY VỐN
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, chủ thể tham gia quan
hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân). Theo khoản 3 Điều 2 Thông tư
39/2016/TT-NHNN, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng phải là pháp nhân, cá
nhân.
Như vậy, các đối tượng không phải là pháp nhân như: Hộ gia
đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không đủ tư cách chủ
thể để vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Trường hợp vay phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác,
khách hàng vay là cá nhân có thể vay để đáp ứng nhu cầu vốn của chính cá nhân
đó và nhu cầu vốn của hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân mà cá nhân đó là chủ
hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời, Thông tư 43/2016/TT-NHNN cũng quy định cho phép cá
nhân vay vốn tiêu dùng cho mục đích tiêu dùng của cá nhân và gia đình của cá
nhân vay vốn.
7. NỢ XẤU ĐƯỢC XỬ LÝ
NHƯ THẾ NÀO?
Nợ xấu là các khoản nợ dưới tiêu chuẩn theo quy định của các
tổ chức tín dụng. Những khoản vay quá hạn trên 10 ngày sẽ được ngân hàng liệt
vào nhóm dư nợ cần chú ý. Như vậy, nợ xấu là khoản nợ các tổ chức tín dụng đã đến
thời hạn trả nhưng không trả hoặc trả chậm trên 10 ngày.
Theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 thì các tổ chức tín
dụng được bán nợ xấu dưới hình thức như sau:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua
bán, xử lý nợ xấu bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu công khai, minh
bạch, theo quy định của pháp luật; giá bán phù hợp với giá thị trường, có thể
cao hơn hoặc thấp hơn dư nợ gốc của khoản nợ. (Điều 5)
Ngoài ra, các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền thu giữ
tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của
khoản nợ xấu khi đáp ứng một số điều kiện như: Hợp đồng bảo đảm có thỏa thuận về
việc thu giữ tài sản bảo đảm, tài sản bảo đảm không phải là tài sản đang tranh
chấp…
8. “SẾP” NGÂN HÀNG
KHÔNG ĐƯỢC KIÊM NHIỆM LÃNH ĐẠO DOANH NGHIỆP KHÁC
Theo Điều 34 Luật các Tổ chức tín dụng, những trường hợp
không cùng đảm nhiệm chức vụ gồm:
- Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương
đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc),
Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp
khác.
- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng
giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng
quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám
đốc (Phó giám đốc)… của doanh nghiệp khác.
- Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc)
không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành
viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp tổ chức đó
là công ty con của TCTD…
Như vậy, lãnh đạo ngân hàng không được kiêm nhiệm lãnh đạo
doanh nghiệp khác.
9. 05 TRƯỜNG HỢP
NGÂN HÀNG BỊ ĐẶT VÀO KIỂM SOÁT ĐẶC BIỆT
Theo khoản 1 Điều 146 Luật các Tổ chức tín dụng, kiểm soát đặc
biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân
hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước xem xét, đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng
kiểm soát đặc biệt khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp sau
đây:
- Có nguy cơ mất khả năng chi trả;
- Nợ không có khả năng thu hồi có nguy cơ dẫn đến mất khả
năng thanh toán;
- Hai năm liên tục bị xếp loại yếu kém theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước;
- Khi số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị
thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm
toán gần nhất;
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong thời
hạn một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn
06 tháng liên tục.
Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm
pháp luật của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ
chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới 2 hình thức: Giám sát đặc
biệt; Kiểm soát toàn diện.