Nhận Diện Các Khoản Mục Bất Thường Trong Báo Cáo Tài Chính Doanh Nghiệp
NHẬN DIỆN CÁC KHOẢN MỤC BẤT THƯỜNG TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
DẤU HIỆU VỀ CÁC KHOẢN MỤC BẤT THƯỜNG (EXTRAORDINARY ITERMS)
Khoản mục bất thường là những khoản mục
“không thường xuyên”, không liên quan đến hoạt động hay kinh doanh chính của
công ty hoặc “hiếm khi xảy ra” trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhưng
có tác động dẫn đến sự sai lệch số liệu và thông tin về tình hình hoạt động của
doanh nghiệp. Các khoản mục này được biết đến như chi phí tái cơ cấu, tổn thất
do thiên tai, chi phí thu hồi sản phẩm, chi phí bảo hành và pháp lý hay thiệt hại
do biển thủ và phí bảo hiểm...
Tuy nhiên, thực tế lại rất khó xác định các
khoản mục bất thường trên các báo cáo tài chính do không có một quy định chung
nào về những khoản đặc thù sẽ hình thành một khoản mục bất thường và hầu hết
các khoản mục bất thường đều không được thể hiện rõ ràng trên báo cáo kết quả
kinh doanh. Theo H.Choi (1994) thì chưa đến ¼ các khoản mục bất thường được thể
hiện một cách riêng biệt trong báo cáo kết quả kinh doanh. Như vậy vấn đề đặt
ra cho các nhà phân tích là tìm ra được ¾ các khoản mục bất thường có thể bị
che khuất để có cơ sở chính xác hơn cho việc ước tính thu nhập ổn định.
Theo Aswath Damodaran, một số dấu hiệu sau cần
được kiểm tra một cách thận trọng khi phân tích bất kỳ một báo cáo lợi nhuận
nào, đó là:
- Tốc độ tăng lợi nhuận của công ty vượt xa tốc
độ tăng doanh thu trong một thời gian dài.
- Việc xuất hiện các khoản phí phi hoạt động
hoặc khoản chi phí hoạt động chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu qua nhiều
năm.
- Có sự thay đổi nguyên tắc kế toán trong định
giá hàng tồn kho hoặc thay đổi phương pháp khấu hao.
- Công ty có thể đã tìm mọi cách để vượt qua
mức lợi nhuận ước tính của các nhà phân tích trong nhiều quý liên tiếp.
Như vậy, trong bất kỳ một sự kiện điển hình
nào, lợi nhuận có thể không phải là thước đo đáng tin cậy về kết quả hoạt động
kinh doanh đang tiến hành khi có dấu hiệu của sự xuất hiện các khoản mục bất
thường. Do đó, việc tìm kiếm các khoản mục này để hiệu chỉnh thu nhập là điều cần
thiết trong phân tích kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
NHẬN DIỆN CÁC KHOẢN MỤC BẤT THƯỜNG
Xem xét báo cáo thường niên được công bố của
15 công ty cổ phần niêm yết hoặc công bố báo cáo tài chính đã được kiểm toán
thuộc các nhóm ngành nhựa - bao bì, ngành thép và chế biến thực phẩm trong một
số năm gần đây cho thấy một số dấu hiệu nhận diện về các khoản mục bất thường cần
có sự điều chỉnh trong phân tích để ước tính thu nhập ổn định chủ yếu tập trung
vào một số vấn đề chính như sau:
Thứ nhất, xuất hiện khoản xóa sổ tài sản cố định,
máy móc thiết bị hoặc thay đổi phương thức khấu hao làm giảm chi phí khấu hao
tăng lợi nhuận trong kỳ. Khoản mục này được thấy trên báo cáo tài chính của
Công ty cổ phần Cáp nhựa Vĩnh Khánh năm 2011 với giá trị tài sản bị giải tỏa là
4,7 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, khoản mục này chiếm tới 95% tổng
chi phí khác của doanh nghiệp trong kỳ. Bên cạnh đó, ghi nhận những thay đổi
trong ước tính kế toán về thời gian khấu hao của Công ty Bao bì nhựa Vĩnh Tiến
từ 6 năm lên 10 năm làm chi phí khấu hao giảm 1,75 tỷ đồng. Tương tự, cũng
trong năm 2012, Công ty Thép Pomina (POM) thay đổi thời gian khấu hao từ 84
tháng lên 120 tháng làm giảm chi phí khấu hao khoảng 6,5 tỷ đồng. Ngược lại,
Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (SMC) vào năm 2008 cũng thay đổi từ
phương pháp khấu hao đường thẳng sang phương pháp khấu hao nhanh làm chi phí khấu
hao tăng thêm 4,8 tỷ đồng.
Theo H.Choi (1994), chưa đến ¼ các khoản mục
bất thường được thể hiện một cách riêng biệt trong báo cáo kết quả kinh doanh.
Như vậy vấn đề đặt ra cho các nhà phân tích là tìm ra được ¾ các khoản mục bất
thường có thể bị che khuất để có cơ sở chính xác hơn cho việc ước tính thu nhập
ổn định.
Thứ hai, xuất hiện các khoản mục chi phí hoặc
thu nhập chỉ phát sinh một lần duy nhất hoặc không dự kiến xảy ra trong tương
lai gần, điển hình là khoản mục thuế bảo vệ môi trường thuộc khoản mục giảm trừ
doanh thu với 8 tỷ của Công ty cổ phần Bao bì nhựa PP(HPB) chiếm 3,2% tổng
doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tương ứng với khoản giảm doanh thu thuần
3,2%.
Các khoản thu nhập bất thường do phạt vi phạm
hợp đồng có thể tìm thấy trên báo cáo của Công ty Nhựa Tân Phú (2011). Khoản mục
này tại Công ty Gang thép Thái Nguyên đạt 974,67 triệu đồng trong tổng số thu
nhập hoạt động khác 9,2 tỷ đồng tăng tới 48 lần so với năm 2011.
Kết quả, mặc dù công ty có lợi nhuận từ hoạt
động sản xuất kinh doanh âm 1,9 tỷ đồng, cuối năm vẫn có lãi nhưng lãi đến từ
nguồn khác. Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) cũng xuất hiện khoản mục
giảm tiền 4,4 tỷ đồng do mất quyền kiểm soát công ty con cũng là một nội dung cần
được điều chỉnh khi ước tính lợi nhuận ổn định.
Thứ ba, các khoản mục bất thường còn được nhận
diện trong thuyết minh chi phí và thu nhập khác của các công ty, có thể dưới
hình thức chi phí dự phòng này được bù đắp bằng việc giảm mạnh chi phí dự phòng
khác, lãi lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái, hạch toán không chính xác các khoản
chi phí và thu nhập khác hay các yếu tố cấu thành nên dòng chi phí và thu nhập
có biến động lớn. Trong số các công ty được xem xét, báo cáo Công ty Mía đường
Lam Sơn ghi nhận khoản hoàn nhập Quỹ dự phát triển khoa học công nghệ 46,02 tỷ
đồng (2012) đã góp phần cải thiện đáng kể chỉ tiêu tổng lợi nhuận kế toán trước
thuế được báo cáo đạt 39,9 tỷ đồng.
Tương tự như vậy, báo cáo của Công ty cổ phần
Bao bì PP (HPB) năm 2012 cũng ghi nhận khoản mục hoàn nhập dự phòng trợ cấp mất
việc làm lên tới hơn 513 triệu và tiền thuê đất năm 2011 được giảm trừ 680,57
triệu đồng, cho thấy công ty đã tăng các khoản thu khác trong cấu thành thu nhập
do tăng các khoản mục bất thường. Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng (DPC) cũng ghi
nhận khoản mục lỗ chênh lệch tỷ giá thuần do chuyển đổi nguyên tắc kế toán.
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện thay đổi vị trí
ghi nhận khoản mục giữa các kỳ kế toán ở Công ty cổ phần Kỹ nghệ Đô thành năm
2012 (DTT), hay ghi nhận chi phí nghiên cứu mở rộng thị trường vào chi phí hoạt
động trong kỳ ở Công ty cổ phần Bao bì nhựa Sài Gòn, thay đổi nguyên giá tài sản
cố định (2007) hay kéo dài thời gian phân bổ lợi thế đầu tư của Công ty Thép
Pomina, trích lập hàng tồn kho và đầu tư tài chính của Công ty Thép Tiến lên
trong những quý đầu của năm 2013… cũng là những vấn đề đáng quan tâm.
Việc nhận diện các khoản mục bất thường được
nêu ở trên không hàm ý các doanh nghiệp có sai sót trong báo cáo tài chính hay
phủ nhận bất kỳ nội dung nào đã được tuyên bố trong các báo cáo kiểm toán, vì
không có căn cứ để đánh giá và cũng không thuộc phạm vi nghiên cứu của tác giả.
Tuy nhiên, tìm ra các khoản mục bất thường là nguồn tài liệu quan trọng và cần
thiết, nguồn thông tin hữu ích để có cơ sở hợp lý hơn trong ước tính lợi nhuận
kỳ vọng và tăng mức tin cậy trong phân tích đánh giá các báo cáo tài chính, các
báo cáo vốn đã có những hạn chế nhất định mang cả tính khách quan và chủ quan của
người lập. Những phân tích chi tiết hơn cũng như đánh giá tác động của các khoản
thu nhập bất thường lên thu nhập của doanh nghiệp, sẽ được xem xét ở các nghiên
cứu tiếp theo.
Nguồn: tapchitaichinh